TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Lễ Vu Lan từ phương diện văn hóa tôn giáo

Ngày: 18:32:36 15/10/2015

Ở Việt Nam, Vu Lan được tiếp biến với tín ngưỡng, văn hóa bản địa đến độ sâu sắc và sáng tạo, tạo nên những nét - dáng của cái phổ biến, đặc thù và đơn nhất. Nó thuộc về phương diện di sản văn hóa phi vật thể nói chung của nước ta. Vì thế, bản thân nó và xã hội đều có nhu cầu giữ gìn và phát huy mặt tích cực từ phương diện văn hóa để thúc đẩy cho công cuộc đổi mới đất nước ta thành công.

1. Văn hóa tôn giáo

Nói văn hóa là nói tới con người, nói tới việc phát huy những năng lực bản chất người nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Văn hóa có đặc trưng cơ bản là tính sáng tạo và tính nhân văn; với vai trò là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội; là nguồn lực nội sinh của sự phát triển. Phân loại văn hóa, người ta đã chia ra nhiều loại văn hóa khác nhau và trong đó có văn hóa tôn giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước đã quan niệm tôn giáo là văn hóa. Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”1.

Theo ý nghĩa của văn hóa, một số nhà nghiên cứu văn hóa tôn giáo đã cho rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một trong những người đầu tiên cho thấy tính chất văn hóa của tôn giáo. Điều này căn cứ vào lời dạy của Đức Phật: “Này các đệ tử, ta nói cho mà biết, nước ngoài biển khơi chỉ có một vị mặn, đạo của ta dạy đây cũng chỉ có một vị là vị giải thoát”. Vậy, Đức Phật đã quan niệm tôn giáo của mình là phương thức giúp con người thoát khỏi mọi nỗi khổ đau.

Tuy nhiên, "Văn hóa tôn giáo" với tính cách là một khái niệm, thì mới xuất hiện gần đây. Người đầu tiên đưa ra định nghĩa và phân tích hiện tượng văn hóa tôn giáo một cách hệ thống là nhà nghiên cứu Jablokov I.N. Trong tác phẩm “Khái niệm và các chức năng của tôn giáo", xuất bản năm 1992, ông đã đưa ra định nghĩa về văn hóa tôn giáo như sau: “Văn hóa tôn giáo - đó là tổng thể các phương thức và thủ pháp bảo đảm và thực hiện sự tồn tại của con người, những phương thức và thủ pháp này được thực hiện trong quá trình hoạt động tôn giáo và thể hiện qua những sản phẩm mang ý nghĩa và nội dung tôn giáo, được truyền lại cho các thế hệ đời sau kế thừa. Trung tâm hoạt động là sự thờ cúng”2.

Như vậy, văn hóa tôn giáo là hệ thống giá trị kết tinh cái bản chất người trong lĩnh vực tôn giáo, được con người sáng tạo ra trong hoạt động tôn giáo, trong đó có những giá trị xuất hiện từ bên trong tôn giáo và cũng có những giá trị được tiếp biến từ bên ngoài vào tôn giáo. Về biểu hiện của các giá trị văn hóa, đối với mỗi tôn giáo đều bao gồm cả cái phổ biến, đặc thù và đơn nhất.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo và văn hóa tôn giáo, ở mọi quá trình lịch sử, đã đóng góp nhiều cho đời sống tinh thần xã hội những giá trị tư tưởng cao đẹp. Trong đó nổi bật là: Lý tưởng xã hội mang tính nhân bản; tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc; ý thức hòa hợp, đoàn kết cộng đồng; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, văn hóa tôn giáo cũng có những hạn chế bởi lịch sử xã hội cụ thể, nên không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến đời sống xã hội đương đại.

2. Ý nghĩa văn hóa của lễ Vu Lan

Tháng Bảy âm lịch hằng năm là mùa Vu Lan cùng với ngày Rằm xá tội vong nhân. Lễ Vu Lan là một lễ của Phật giáo, có vai trò hết sức quan trọng, nó thể hiện ân cha mẹ, là ân đầu tiên trong "Tứ đại trọng ân” của nhà Phật3. Vu Lan được đọc theo âm tiếng Pali chữ Uilambana, có nghĩa là “Cứu đảo huyền”, “Cứu nạn treo ngược”, “Cứu vớt những oan hồn bị treo ngược dưới địa ngục”. Vu Lan còn gọi mùa báo hiếu, là dịp để mọi người cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được vãng sanh cực lạc; còn người vẫn còn cha mẹ, thì thực hành sống thương yêu cha mẹ mình hơn nữa.

Lịch sử lễ Vu Lan gắn liền với câu chuyện về Tôn giả Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ của mình là bà Thanh Đề đã qua đời, ra khỏi kiếp ngạ quỷ (ma đói). Để làm việc này, Mục Kiều Liên đã tìm đến Đức Phật và được Phật dạy: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ, chỉ có một cách là nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, vậy hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiều Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp)4. Từ đó có truyền thống cúng ngày rằm tháng Bảy, nhằm ngày chư tăng làm lễ tự tứ sau 03 tháng an cư. Người ta tin rằng lễ cúng này giải thoát khỏi khổ đau cho thân quyến 7 đời của người cúng. Sự kết hợp giữa giáo lý từ bi và truyền thống thờ cúng tổ tiên đã trở thành yếu tố chính để cho lễ cúng này được lưu truyền đến ngày nay5.

Mùa Vu Lan báo hiếu có ý nghĩa tâm linh, đạo đức và ý nghĩa xã hội sâu sắc, mang tính phổ quát. Bởi văn hóa xã hội và văn hóa tôn giáo đều gặp nhau ở việc coi trọng công ơn của các thế hệ trước, của các bậc sinh thành. Ân cha mẹ ở đây không dừng lại là người sinh thành ra mình, mà còn hiểu là ân chúng sinh. Vì khi còn tại thế, Đức Phật một lần trên đường đi thuyết pháp gặp một đống xương khô, Người đã quỳ xuống bái và giải thích cho các đệ tử rằng biết đâu người này kiếp trước là cha mẹ ta6.

Có thể thấy, bản chất văn hóa của lễ Vu Lan không chỉ dừng lại ở việc cúng lễ thông thường, mà còn trọng tâm hướng tới việc thưch hành các điều thiện nhằm báo hiếu báo ân.

Còn lễ Xá tội vong nhân truyền thống của dân tộc Việt Nam, gắn với tục cúng cháo, hoa quả,… để cầu cúng cho các cô hồn. Văn cúng của lễ này thường dùng bài "Văn tế thập loại chúng sinh” (hay "Chiêu hồn thập loại chúng sinh”), của Nguyễn Du. Nội dung của bản văn tế này thể hiện sự kết hợp giữa giá trị nhân văn của người Việt với văn hóa Phật giáo. Điều này thể hiện như:

Kiếp phù sinh như hình như ảnh

Có chữ rằng "vạn cảnh giai không

Ai ai lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi7.

Người Việt trong truyền thống cho rằng ngày rằm tháng Bảy là ngày "mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế, nên gọi là ngày Xá tội vong nhân. Khi thực hiện lễ này, người Việt cũng nhân đó làm lễ cầu siêu cho gia tiên tiền tổ và gửi biếu chút vàng mã cho các chân linh gia tiên nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành8.

Như vậy, do sự liên quan hữu cơ về nội dung, lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân được người Việt có xu hướng nhận thức và thực hành làm một. Điều đó thể hiện sự tiếp biến và thẩm thấu lẫn nhau của hai loại lễ này và như vậy cũng là phù hợp với điều kiện nhiều mặt của xã hội hiện đại, cả hai đều hướng tới mục đích văn hóa có tính nhân văn sâu sắc của người Việt là ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân.

3. Vu lan hiện nay - một số vấn đề đặt ra

Lễ Vu Lan ở nước ta thường được cúng ở chùa trước, sau mới đến gia đình. Tại gia đình thường cúng hai mâm: mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh ở sân nhà; thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều. Mâm cúng tổ tiên thường là một mâm cỗ mặn, có tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy (đồ mã).

Mâm cúng chúng sinh lễ vật có quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu (có thể nước ngọt, bia), cốc gạo trộn lẫn với muối (được rắc ra bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn. Tất cả đều có mục đích báo hiếu, nhớ ơn, biếu tặng và chia sẻ, thương cảm với người cõi âm.

Tuy nhiên quá trình thực hiện nghi lễ Vu Lan đều xuất hiện hai mặt: tích cực và tiêu cực. Ở đây, chúng tôi xin đề cập tới một số vấn đề đặt ra.

Một là, xung quanh tục đốt vàng mã

Theo Thượng tọa Thích Thanh Thắng, có bốn điều – ý nghĩa tốt đẹp của hành động đốt tiền vàng giấy cho người quá cố. Đó là: (1) sự lo sợ người thân sẽ phải đói lạnh và mong muốn họ được đầy đủ như mình; (2) gián tiếp tạo nên hay khuyến khích phẩm chất nhớ ơn, biết ơn trong gia đình; (3) hướng đến những ứng xử nhân quả trong việc thờ cúng tổ tiên; (4) biết lo nghĩ đến đói khổ của người khác, cho dù là người khuất bóng, không kể thân sơ, làm tăng trưởng lòng từ bi hỷ xả, không bòn xẻn9.

Song gần đây, tệ nạn rất lãng phí là, người ta làm đồ mã gồm cả tivi, tủ lạnh, máy giặt, ngựa, phương tiện giao thông, mũ kepi, người giúp việc, thậm chí cả nhà cao tầng, quạt điện, điều hòa, di động, IPhone... mà để sắm được tương đối thôi, cũng phải mất từ vài triệu đến vài chục triệu. Đồ mã vì thế đã dẫn đến những thay đổi căn bản trong hành vi cầu cúng, giống như một cách để đổi chác danh lợi với thánh thần, với người đã khuất. Trong khi đó, bản chất của sự thờ cúng dưới góc độ văn hoá là một hình thức trả ơn, là đạo lý. Cúng đốt như thế nào đều tuỳ theo tấm lòng, tâm lý và động cơ của mỗi người. Tưởng nhớ đến người quá cố, điều quan trọng nhất là phải có cái tâm thành thực, có vậy mới là văn hóa; ngược lại, nếu bằng cái tâm vị kỷ, bằng sự phô trương cúng lễ để cầu mong sự phù hộ độ trì một cách phù phiếm thì lại là không văn hóa.

Như vậy, văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng luôn có một sự giới hạn cần thiết, nếu trong “ngưỡng” là văn hóa, còn vượt “ngưỡng” lại là không văn hóa. Cái “ngưỡng” ở đây chính là những giá trị được xã hội đương thời chấp nhận. Việc mua sắm đủ thứ đồ mã rất tốn kém, phô trương là khác hẳn với việc mua một vài manh áo, một vài thoi vàng để đốt cho người đã khuất, cùng với một tấm lòng thành. Thấy cảnh đốt đồ mã vượt ngưỡng mà nhiều người muốn gạt bỏ đồ mã ra khỏi văn hóa Phật giáo; nhưng ngược lại, lại thấy việc đó diễn ra trong ngưỡng nên không ít người muốn giữ lại đồ mã như một yếu tố của văn hóa Phật giáo. Như thế mới thấy, việc chúng ta vẫn luôn từng nói, rất dễ dàng là: phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực trong các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo, thì trong thực tế là không hề đơn giản, với nhiều khó khăn.

Cảm nhận nét đẹp văn hóa của lễ Vu Lan, nhưng rồi lại thấy cảnh người người đổ xô đi mua sắm đồ mã giống như nhà thật, xe thật, tiền thật để phô trương, Thượng tọa Thích Thanh Thắng đã “càng cảm thấy buồn cho người Việt mình và ước gì dân mình đều biết nghĩ như cụ Nguyễn Du "Gọi là manh áo thoi vàng, giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên". Nhà tu hành còn phân tích: Sự hóa giải lớn nhất của Phật giáo cho hiện tượng văn hóa “đốt mã” này đến từ lời Văn Chiêu hồn của Nguyễn Du khi đã nhắn nhủ các vong linh rằng:

Ai đến đó dưới trên ngồi lại.

Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.

Phép thiêng biến ít ra nhiều.

Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sinh.

Lời văn ấy đã xóa đi cái ranh giới của thân phận giàu nghèo, xóa đi cái tâm lý giành giật chen trước ngồi trên. Vì đã có phép thiêng biến ít ra nhiều, chia đều một cách bình đẳng, thì còn ngại gì việc mình không có phần, ngại gì mình đến trước đến sau, và người sống cũng còn lý do gì để tranh nhau mua những thứ đồ vàng mã đắt tiền. Qua đó, Thượng Thích Thanh Thắng bày tỏ: đừng vội lên tiếng mạt sát, hay chợt nhìn vào một vài sự thái quá của nó mà vội đẩy nó ra khỏi mình, vội xem nó như là cái gì đó mê tín, tệ đoan ghê gớm. Một năm có vài ba dịp, bỏ ra vài ba đồng tiền thật để mua một chút "của làm duyên", dùng tâm từ mà đốt thì còn ngại gì âm dương cách biệt... Nhưng mong ai đó đừng tiếp tục để sự phô trương núp danh phong tục truyền thống10. Đấy là một cách nhìn và một thái độ bao dung, nhân văn của nhà tu hành Phật giáo.

Hai là, liên quan trực tiếp đến việc báo hiếu là việc làm giỗ.

Việc cúng giỗ cha mẹ, ông bà tổ tiên đã qua đời là một nghi lễ truyền thống, đượm nét văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam. Việc cúng giỗ này tất nhiên không phải chỉ được tiến hành theo nghi lễ của Phật giáo, mà là rất đa dạng ở mỗi tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Ở đây chỉ đề cập đến phương diện báo hiếu của Vu Lan và ở yếu tố cốt lõi của văn hóa là cái tâm hiếu.

Về việc này hiện nay, không ít người đã chuyển hướng mục đích, từ chủ yếu là báo hiếu, sang mục đích cỗ bàn phô trương ảnh hưởng, danh vọng, quyền lực thế tục. Người ta còn biết, có người đã làm đám giỗ linh đình, nhưng khi cha mẹ, ông bà mình còn sống đã không đối xử tử tế. Tình trạng này có ảnh hưởng xấu không nhỏ, với xã hội là đề cao danh vọng, quyền lực, trục lợi theo kiểu kinh tế thị trường; còn trong gia đình, họ hàng cũng bị chia rẽ, xáo trộn. Nó đã làm gia tăng sự phân hóa xã hội, rạn nứt các mối quan hệ tốt đẹp của con người xã hội, dòng tộc, gia đình. Vậy, việc cúng giỗ như thế ấy đâu còn giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nữa.

Ba là, vấn đề xây đắp mộ người quá cố

Việc chôn cất và xây đắp mộ người chết, từ bao đời nay đã trở thành yếu tố văn hóa tín ngưỡng, nói lên sự khác nhau căn bản giữa bản chất của con người với bản chất của con vật; nói lên trình độ văn hóa của mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau. Song ở đây, điều đáng nói là, ở Việt Nam hiện nay đã có nơi, có nhiều người xây mộ to như căn nhà thật, rất lãng phí, thậm chí có không ít nghĩa trang được “xếp hạng” thuộc diện “đô thị hóa nghĩa trang”. Có địa phương, mặc dù đã xây dựng hương ước thôn – làng với các quy định khá chặt chẽ về việc xây đắp mộ, từ kích thước cho đến kiểu dáng ngôi mộ, song vẫn bị một số người vượt qua.

Tình trạng này thường không được đông đảo người dân chấp nhận, do trái với quy ước cộng đồng và văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Những khuyến nghị

Thứ nhất, để phát huy những giá trị tích cực của văn hóa lễ Vu Lan hiện nay, đòi hỏi phải phát huy cao độ về “sự tác động trở lại” của tín ngưỡng, tôn giáo tới cơ sở kinh tế và tới tồn tại xã hội.

Chúng ta thừa nhận quan điểm duy vật lịch sử: tôn giáo (tính thứ hai) là do con người, do cuộc đời (tính thứ nhất) sinh ra, nhưng cần thấy, đây là một mối quan hệ không phải là một chiều, mà là hai chiều qua lại. Vì thế, đừng bao giờ xem tín ngưỡng, tôn giáo là chủ thể thụ động, mà luôn luôn có sự tác động trở lại vô cùng to lớn đối với cơ sở sinh ra nó. Hơn nữa, cũng cần chú ý là, số người có tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta thường chiếm đa số trong dân số11 và với họ, sự tác động đó của tín ngưỡng, tôn giáo luôn được xem là quyết định.

Thứ hai, tích cực tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về vai trò của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nói chung trong đó có giá trị văn hóa lễ Vu Lan.

Trong tuyên truyền và giáo dục cần chú ý tới sự đa dạng của các quan niệm và nghi lễ về báo hiếu, báo ân đối với cha mẹ, tổ tiên của đồng bào các dân tộc và của cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Làm như thế mới là khách quan, là đúng với chính sách, pháp luật về bình đẳng giữa các tôn giáo ở Việt Nam và đúng với quan điểm: nền văn hóa Việt Nam là thống nhất nhưng trong sự đa dạng văn hóa các dân tộc, do đó mới đảm bảo được đoàn kết tôn giáo, dân tộc.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện cơ chế đánh giá, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và của lễ Vu Lan nói riêng.

Cơ chế phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của tôn giáo phải được định hướng và thể hiện bằng nguyên tắc: bảo đảm tính tối thượng của hiến pháp, pháp luật. Điều rất quan trọng là, cơ chế ấy cần được thể chế để trở thành nội dung của các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư ở cơ sở.

Thứ tư, đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của nhân dân trong việc phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có giá trị văn hóa của lễ Vu Lan.

Hiện nay, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của nhân dân, nếu được phát huy, sẽ là vô cùng quan trọng, do chức năng của nó là rất gần dân và thân dân. Đây sẽ là yếu tố thuận lợi để phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có giá trị văn hóa của lễ Vu Lan trong nhân dân, theo xu hướng vận động của xã hội dân chủ thời hiện đại: xã hội dân sự và tự quản.

Thứ năm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo hội Phật giáo và của người - ban đại diện cơ sở tín ngưỡng trong việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Vu Lan.

Đây nên xem là giải pháp trực tiếp và bên trong, vì thế trong nhiều trường hợp sẽ có ý nghĩa quyết định thành công và hiệu quả của việc phát huy các giá trị văn hóa của Vu Lan. Vu Lan là một lễ của và chủ yếu là của Phật giáo, nên đương nhiên trách nhiệm phải là của, chủ yếu của tôn giáo này. Ở đây, vai trò của hệ thống chính trị là tạo ra các điều kiện có thể về các phương diện, như pháp lý, địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự... mà không nên làm thay, cũng không nên áp đặt chủ quan vào quá trình tổ chức của Giáo hội Phật giáo.

Kết luận

Vu Lan là một nội dung sinh hoạt của Phật giáo thấm đượm những giá trị văn hóa truyền thống của các nước, các dân tộc có ảnh hưởng lớn từ Phật giáo. Ở Việt Nam, Vu Lan được tiếp biến với tín ngưỡng, văn hóa bản địa đến độ sâu sắc và sáng tạo, tạo nên những nét - dáng của cái phổ biến, đặc thù và đơn nhất. Nó thuộc về phương diện di sản văn hóa phi vật thể nói chung của nước ta. Vì thế, bản thân nó và xã hội đều có nhu cầu giữ gìn và phát huy mặt tích cực từ phương diện văn hóa để thúc đẩy cho công cuộc đổi mới đất nước ta thành công. Đồng thời cũng cần khắc phục mặt tiêu cực của nó và việc này tỏ ra là không hề đơn giản, bởi nếu chủ quan, thiếu chín chắn, buông lỏng hay nóng vội đều có thể gây ra hệ quả tai hại, không chỉ làm hạn chế nhu cầu tinh thần của người dân, mà có thể còn làm cho mặt tiêu cực có điều kiện phát triển./.

PGS.TS. Ngô Hữu Thảo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Ảnh: Bình Yên


1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tr.431

2 Viện Thông tin Khoa học xã hội - Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (1997), Tôn giáo và đời sống hiện đại, HN, tr.68.

3Tứ đại trọng ân gồm bốn ân là: Ân Cha Mẹ, Ân Tam Bảo, Ân đất nước và Ân chúng sinh.

5 Đạo uyển, Từ điển Phật học, Nxb. Tôn giáo, HN, 2006, (giải thích Phóng diệm khẩu, Vu lan bồn hội) tr. 501- 502, 969.

6 Báo Đại đoàn kết, Hiểu đúng lễ xá tội vong nhân và Vu lan báo hiếu, cập nhật 21/08/2013.

7 “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du gồm 184 câu thơ thể loại song thất lục bát, có nhiều nội dung liên qua tới Phật giáo mà mấy câu trên chỉ là một.

8Hiểu đúng lễ xá tội vong nhân và Vu lan báo hiếu, Báo Đại đoàn kết, cập nhật 21/08/2013

9 Thượng tọa Thích Thanh Thắng, Văn hóa hay sự phô trương núp danh truyền thống?, http://vietnamweek.net",05/9/2010

10Thượng tọa Thích Thanh Thắng, Văn hóa hay sự phô trương núp danh truyền thống?, http://vietnamweek.net", 05/9/2010

11 Ở Việt Nam, người dân có tôn giáo chiếm 27% dân số, còn người có tín ngưỡng, không có số liệu cụ thể, nhưng có lẽ phải gấp 2 lần số đó.

Các bài viết khác