Bài viết này cố gắng làm rõ mối quan hệ giữa tôn giáo với Chủ nghĩa xã hội ở bình diện lý luận và thực tiễn để thấy rằng phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nằm trong dòng chảy trên - dòng chảy của tôn giáo trong đời sống xã hội trần thế và trong đặc trưng của Phật giáo Việt Nam.
1. Đã có nhiều bài viết với các cách tiếp cận khác nhau về mối quan hệ giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội, các bài viết này thường nhìn nhận dưới góc độ của quan hệ tôn giáo chính trị, điều này là dễ hiểu bởi chủ nghĩa xã hội thường được hiểu là một học thuyết chính trị xã hội. Tuy nhiên chủ nghĩa xã hội không phải là cái có sẵn mà là cái cần phải được sáng tạo ra bởi con người và vì sự tiến bộ của nhân loại. Do vậy cần có một cái nhìn thoáng rộng hơn về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội để thấy được những điểm chung của tôn giáo với chủ nghĩa xã hội nhằm tạo dựng mối quan hệ đồng thuận, tốt đẹp vì sự tiến bộ của con người và cũng vì mục đích của tôn giáo.
2. Giá trị của tôn giáo và giá trị của chủ nghĩa xã hội
Dưới góc nhìn giá trị, tôn giáo cũng như chủ nghĩa xã hội đều là những hệ giá trị thể hiện mong muốn, khát vọng tốt đẹp, cao cả của loài người và vì con người. Các tôn giáo lớn trên thế giới, ví dụ như Kitô giáo, Phật giáo, đạo Ixlam đã xác quyết lý tưởng của mình về những điều tốt đẹp nhất nơi Thiên đường, Niết bàn, cõi Chúa Ala. Mặc dù lý tưởng ấy có thể bị coi là ảo tưởng song giá trị của nó được thể hiện trong giáo lý, trong những điều răn dạy, ngăn cấm và việc thực hiện những điều ấy trong đời sống trần thế đã tạo ra một hệ giá trị xã hội và đạo đức tốt đẹp. Đạo Kitô giáo dạy rằng con người không được làm điều xấu, điều ác mà phải thương yêu nhau: “Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ” và “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình” [8, 1879]. Còn đạo Phật với quan niệm vô ngã, vị tha, với ngũ giới cũng thể hiện sự đòi hỏi để được là con của Phật và cũng là để vì một thế giới tốt đẹp. Đạo Ixlam cũng khẳng định rằng: “Đạo đức (Birr) không phải là các ngươi quay mặt về hướng Đông hay hướng Tây; mà đạo đức (Birr) là việc ai tin nơi Allah và Ngày Phán Xử Cuối Cùng, và nơi các Thiên Thần, và nơi Kinh Sách (của Allah), và nơi Anbiyâ’(của Allah), và vì yêu thương Ngài mà bố thí tài sản cho bà con ruột thịt, và những kẻ mồ côi, và những người thiếu thốn, và những người đi đường xa, và những người ăn xin, và để chuộc và giải phóng cho những người nô-lệ, …” [9, 56].
Chủ nghĩa xã hội với tư cách là một phong trào hiện thực, một trạng thái xã hội cần được xác lập trên cơ sở mục đích của nó là sự khao khát của con người, trước hết là của những người bị áp bức bóc lột về một xã hội công bằng, bình đẳng, không còn người bóc lột người; xã hội mà con người không còn bị tha hóa, con người trở thành NGƯỜI (người viết hoa, người theo đúng nghĩa của nó) [12]. C.Mác, Ph.Ăngghen đã xác lập quan niệm về chủ nghĩa xã hội khoa học, VI.Lênin đã bổ sung, phát triển nó trong điều kiện cụ thể của nước Nga và tình hình châu Âu đầu thế kỷ XX, trong đó khẳng định sự tồn tại của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội và xác định thái độ tôn trọng tự do tôn giáo và tự do không tôn giáo, và xét về mặt xã hội không có sự đối lập giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội [10 và 11]. Ph.Ăngghen đã đánh giá cao quan niệm biện chứng của Phật giáo [3], đặc biệt Ông đã chỉ ra sự giống nhau (tất nhiên trong đó có sự khác nhau) giữa đạo Cơ đốc sơ kỳ với phong trào công nhân hiện đại với ba nội dung chính: Thứ nhất: Đều là phong trào của những người nghèo, người bị áp bức, bị bóc lột; Thứ hai: Đều tuyên truyền sự giải phóng con người; Thứ ba: Đều bị đàn áp, bị xử dụng các đạo luật đặc biệt, song đều tự khai phá để đi lên [2]. Sau này Hồ Chí Minh và Phi đen Catxtơrô đã làm rõ hơn, cụ thể hơn, sinh động hơn về sự giống nhau này. Sự phân tích đánh giá của Ph.Ăngghen, Hồ Chí Minh và Phi đen Catxtơrô về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội như trên thực chất là chỉ ra giá trị của tôn giáo và chủ nghĩa xã hội trong lịch sử loài người khi con người còn bị áp bức, bất công; còn bị thống trị bởi thế lực xa lạ với bản chất người.
Chủ nghĩa xã hội với tư cách là mong muốn, khát vọng của con người về một xã hội công bằng, bình đẳng xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử gắn với các tư tưởng tiến bộ, với các tôn giáo. Ví dụ ở Trung Hoa, Khổng tử nêu ra quan niệm về một thế giới đại đồng (Tứ hải giai huynh đệ - Bốn biển đều là anh em), ở Ấn Độ, Đức Thích ca mu ni đưa ra quan niệm về sự bình đẳng của chúng sinh, Kitô giáo đưa ra quan niệm về Nước Chúa ngàn năm và hình thành công xã Cơ đốc giáo. Khi Chủ nghĩa Xã hội khoa học ra đời và được hiện thực hóa ở một số quốc gia trên thế giới, thì một số nước thuộc thế giới thứ ba đã tìm một hình thức khác của Chủ nghĩa Xã hội theo hướng kết hợp giá trị của Chủ nghĩa Xã hội và giá trị của tôn giáo, đó là Chủ nghĩa xã hội tôn giáo. Loại hình Chủ nghĩa Xã hội này ra đời và phát triển chủ yếu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai trong một số nước có truyền thống gắn với các tôn giáo lớn như Kitô giáo, Phật giáo, Ixlam giáo, do đó mà hình thành Chủ nghĩa Xã hội Kitô giáo, Chủ nghĩa Xã hội Phật giáo, Chủ nghĩa Xã hội Ixlam giáo. Xét về mặt xã hội thì Chủ nghĩa Xã hội loại này là nguyện vọng của những ngưới có tín ngưỡng tôn giáo về một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái; Là hiện thực hóa lí tưởng của các tôn giáo. Các trào lưu của Chủ nghĩa Xã hội tôn giáo rất đa dạng, phức tạp, song có thể chia làm hai hình thức: Thứ nhất, là Tôn giáo hóa Chủ nghĩa Xã hội. Trào lưu này cho rằng Chủ nghĩa Xã hội là kết quả của đạo đức tôn giáo, là hiện thực hóa lí tưởng của tôn giáo trong đời sống trần thế, hay cũng chính là tạo dựng thiên đường ngay trong thế giới trần gian. Tôn giáo hóa Chủ nghĩa Xã hội cũng chính là kéo tôn giáo về đời sống trần thế của con người, là đề cao mặt xã hội của tôn giáo. Thứ hai, là Chủ nghĩa Xã hội hóa tôn giáo. Trào lưu này cho rằng lí tưởng của Chủ nghĩa Xã hội cũng chính là lí tưởng của tôn giáo, việc những người có tín ngưỡng tôn giáo tham gia công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội là sử dụng hình thức Chủ nghĩa Xã hội để thực hiện lí tưởng tôn giáo của mình [13]. Có nhiều đánh giá khác nhau về Chủ nghĩa Xã hội tôn giáo, thậm chí nó còn bị phê phán, bị ngăn trở, song trào lưu này vẫn phát triển ở các nước thuộc khu vực Châu Á, Châu Phi, Châu Mĩ và đã để lại dấu ấn ở các quốc gia này. Song đáng lưu ý là gần đây Vê-nê-duy-a và cả Bô-lô-vi-a đã có động thái lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội (theo chúng tôi chủ nghĩa xã hội mà họ lựa chọn ở đây là mang tính chất của chủ nghĩa xã hội Kitô giáo). Những động thái gần đây của chủ nghĩa xã hội tôn giáo cần phải được khảo cứu sâu thêm, song điều không thể phủ nhận đây chính là một biểu hiện của tôn giáo trong sự phát triển của xã hội ngày nay.
3. Phật giáo ra đời ở Ấn độ vào khoảng thế kỷ thứ VI, thứ V trước công nguyên. Phật giáo là một tôn giáo của sự giải thoát và đề cao vai trò của con người trong sự giải thoát khỏi sự mê sy và dục vọng, do vậy Phật giáo đặt số phận con người vào chính nơi con người. Với nhiều quan niệm được thể hiện trong kinh sách và trong hành đạo của Phật giáo đã thể hiện Phật giáo là tôn giáo nhập thế, điều đó cho thấy rằng Phật giáo lấy thế gian làm điểm xuất phát để giáo hóa và hành trì nhằm hướng tới mục đích ở ngay thế gian này để mọi người và mọi loài được giác ngộ, được giải thoát. Tứ diệu đế (khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế) là bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Thích ca mu ni đã chỉ ra những nỗi khổ trong đời sống trần thế (khổ đế, với bát khổ), xác quyết nguyên nhân của cái khổ (tập đế, với 10 nguyên nhân), đã khẳng định có thể diệt được nguyên nhân của cái khổ và chính con người là chủ thể của sự thoát khổ (diệt đế) và chỉ ra con đường của sự thoát khổ (đạo đế, với bát chính đạo). Những điều trên đã nói lên Phật giáo là tôn giáo nhập thế. Sự nhập thế của Phật giáo được chỉ đạo bởi mục đích giải thoát với tinh thần vô ngã vị tha, không chấp trược vào ngoại cảnh và được hiểu là sự khế hợp (kế cơ, khế lý, khế xứ, khế thời, khế sự). Cái trục của giải thoát, nhập thế và khế hợp đã làm cho Phật giáo là một tôn giáo năng động trong việc hoằng hóa, tạo ra sự gần gũi với con người.
Với tinh thần trên, Phật giáo vào Việt Nam đã sớm tìm được chỗ đứng trong cộng đồng người Việt và đặc biệt là từ chỗ là Phật giáo ở Việt Nam, đến thời nhà Trần (1225 – 1400) trở thành Phật giáo Việt Nam mà dấu chỉ quan trọng của nó là sự ra đời Thiền phái Trúc lâm Yên Tử với phương châm gắn đạo với đời, gắn Phật giáo với dân tộc. Đây là cơ sở lịch sử quan trọng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam những giai đoạn sau này.
4. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, năm 1981 chín tổ chức, hệ phái của Phật giáo Việt Nam đã được thống nhất trong Ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội để khẳng định đường hướng hành đạo của mình. Với sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội có những căn nguyên về mặt lý luận đó là sự tương đồng giữa Phật giáo và Chủ nghĩa xã hội; có căn nguyên về mặt lịch sử đó là sự xuất hiện chủ nghĩa xã hội tôn giáo, trong đó có chủ nghĩa xã hội Phật giáo; có căn nguyên về mặt thực tiễn đó là sự khế hợp của Phật giáo với dân tộc Việt Nam trong lịch sử và hiện nay. Nếu xét riêng ở bản thân Phật giáo thì giải thoát, nhập thế và khế hợp là điều kiện và nội dung của sự lựa chọn phương châm trên. Đương nhiên còn có những khía cạnh cụ thể khác của việc hình thành phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, nhưng việc giải thích những khía cạnh ấy - theo chúng tôi - cần đặt trên nền tảng của bản thân Phật giáo và của lịch sử Việt Nam để có được sự nhận thức phù hợp nhằm hướng tới sự đồng thuận xã hội, sự trợ duyên cho Phật giáo phát huy nhiều hơn nữa giá trị tốt đẹp của mình trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Trương Hải Cường, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tài liệu trích dẫn
1. Ph.Ăngghen, Brunô Bauơ và đạo Cơ đốc khởi thuỷ, C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, năm 1997, T19 (tr 435-448);
2. Ph.Ăngghen, Bàn về lịch sử đạo Cơ đốc sơ kỳ, C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật, năm 1997, T22 (tr 661-700);
3. Ph.Ăngghen, Biện chứng của tự nhiên, NXB Sự thật, năm 1963 (tr 352-353);
4. Trương Hải Cường, Quan điểm của C.Mác - Ph.Ăngghen về lao động bị tha hóa và sự tha hóa của tôn giáo, Nghiên cứu tôn giáo, số 6 (12)/2001, (tr 3 - 6);
5. Trương Hải Cường, Tìm hiểu quan niệm của C.Mác về vấn đề giải phóng con người trong tác phẩm Về vấn đề Do Thái, trong "Học thuyết Mác với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam”, NXB Chính trị Quốc gia, 2003;
6. Trương Hải Cường, Tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Đề tài cấp Đại học Quốc gia, Mã số: QX 2007-03;
7. Mai Thanh Hải, Tôn giáo thế giới và Việt Nam, NXB Công an Nhân dân, năm 2000;
8. Kinh Thánh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1998;
9. Kinh Qur`ran (Ý nghĩa - Nội dung), NXB Tôn giáo, 2001;
10. VI.Lênin, Chủ Nghĩa Xã Hội và tôn giáo, VI.Lê-nin, Toàn tập, NXB Tiến bộ Mát-xcơ-va, năm 1979, tập 12 (tr 169-175);
11. VI.Lênin, Về thái độ của đảng Công nhân đối với tôn giáo, VI.Lênin, Toàn tập, NXB Tiến bộ Mát-xcơ-va, năm 1979, tập 17 (tr 510-541);
12. C.Mác, Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Tập 42 (tr 65 – 258);
13. 陈 麟 书,陈 霞 - (主 编), 宗 教 学 原 理 (1999),宗 教文 化 出 版 社.