TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Muốn có đường, hãy cứ bước chân đi...

Ngày: 11:43:58 01/12/2015

Mười năm Nhân Mỹ học đường là “một hiện tượng lạ”. Tôi cho đây là “Hiện tượng lạ” bởi vì mô hình này nếu tôi không nhầm thì nó chưa từng xuất hiện ở nơi đâu. Và cũng có thể coi đây là một Mô hình Xã hội hóa rất đặc biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta.

Sống hiện đại, đúng với tâm thức của người hiện đại là một thách thức lớn lao đối với những người sống trong xã hội hôm nay. Huống chi là, để hiểu rõ về đạo cổ nhân và kể lại cho những người đương thời ít quan tâm về đạo, không tin là có đạo, lại càng khó khăn hơn nữa. Chẳng khác nào người đứng trên mép nước, khó có thể nói cho người đang kiếm củi trên rừng về vẻ đẹp của những rặng san hô dưới lòng đại dương bao la.

Giá trị của truyền thống, vẻ đẹp trong đạo của cổ nhân lắng sâu và giản dị nhưng lại vi diệu đến mức chúng ta hầu như không biết đến sự tồn tại của chúng. Giống như, có mấy ai nhắc đến ánh sáng và không khí mỗi ngày. Nhưng nó vẫn thường hằng, và vì nó cuộc sống sinh sôi.

Cư sỹ Yên Sơn - Đốc giáo Lê Trung Kiên

Kho tàng Hán Nôm với di sản đầy giá trị trải qua mấy ngàn năm còn lắng lại. Ngữ vựng Hán Việt cũng đã qua bấy nhiêu năm trở thành lòng ruột của nhời ăn tiếng nói Việt Nam. Nhưng, dù không muốn tỏ ra khiêm tốn, cũng vấn phải nói rằng, chúng ta thực sự không hiểu nhiều về nó - vốn di sản của ông cha.

Người ta nói, tấm bản đồ đầu tiên được vẽ vì người ta chưa từng có nó. Với ý tưởng mông lung, dù biết mình quyết chưa phải là người hiểu đạo, nhưng vẫn muốn là một người trong hành trình tìm đến với đạo. Với những gì mình biết, dù chưa phải trọn vẹn và lành lặn, với tâm sức có hạn, đức trí không đầy, nhưng vẫn cả gan cùng người đồng chí, mang sở học hạn thiểu ra quảng bác cầu người tâm phúc. Chẳng khác đốm lửa đêm đông, hạt nước sa mạc. Nhưng, chẳng vì thế mà không gượng sức làm. Vì đã từng có lẽ “trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường mà thôi” (*). Nhân Mỹ học đường nguồn cơn như vậy.

Quan khách và các học viên trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Nhân Mỹ học đường

Nhân dịp Học đường tròn 10 năm tuổi, tuổi của mê mải, vụng dại, cần tốn công lao của các bậc trưởng thượng vỗ về, dẫn dắt để khôn lớn, trưởng thành. Xin thành kính cảm ngưỡng công ân của chư vị chức sắc trụ trì các cơ sở tự viện Phật giáo, chùa Nhân Mỹ, chùa Mễ Trì thượng, chùa Tứ Kỳ, chùa Pháp Vân, chùa Ngọc Quán, chùa Tào Sách và nhiều cơ sở tự viện khác... đã hằng tâm, hằng sản giúp cho cơ sở vật chất để Nhân Mỹ học đường đặt cơ sở đào tạo. Xin thành kính tri ân chư vị thiện tri thức, huynh đệ bác học, quảng lãm, đa văn, quý giảng sư, giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đã không cho Nhân Mỹ học đường là huyễn chí mà gia công gây dựng, vun vén cho Học đường đằng đẵng trong suốt 10 năm qua. Xin cảm ơn quý vị học viên đã thương, không coi Nhân Mỹ học đường là một nơi tạm bợ, đã đến theo học trọn vẹn qua những khóa học dài. Hy vọng, Nhân Mỹ học đường sẽ mãi là nơi để nhớ, là chốn đi về của những người quan tâm đến chữ Hán, chữ Nôm, thư pháp Hán Nôm nói riêng và những người quan tâm đến giá trị của vốn văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung.

Xin cảm ơn tất cả, không phân biệt lão thiểu an hoài, những người đã quan tâm, đến, ở lại và vui bước ra đi từ Nhân Mỹ học đường. Chính các bạn đã làm cho công việc nhỏ nhoi của chúng tôi trở nên thêm một phần ý nghĩa.

Chúc tất cả chúng ta có đủ sức khỏe, trí tuệ, sự quyết tâm và lòng can đảm để vững bước trên hành trình hoàn thiện nhân cách và vun bồi trí tuệ, và để có thể thành tựu mọi ước nguyện trong cuộc sống đầy khó khăn, cực nhọc nhưng vô cùng ý nghĩa và đáng để sống này.

Vẫn xin nhắc lại thêm một lần, muốn có đường, hãy cứ bước chân đi!

Mễ Trì hạ, tiểu tuyết, mạnh đông, năm Ất Mùi 2015

Cư sỹ Yên Sơn - Đốc giáo Lê Trung Kiên

-----

Ghi chú: (*): Lỗ Tấn - Nhà văn Trung Quốc đã viết trong tác phẩm Cố hương “trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”.  Nghĩa đen: Mọi nẻo đường trên đời này không tự dưng mà có, mà chính là con người ta tạo nên thông qua một quá trình sống trên đời. Nghĩa bóng: Mọi nguyên tắc, lễ giáo, hay những gì có mặt trên đời này là một sản phẩm của quá trình con người biến đổi xã hội, sản phẩm lịch sử - xã hội. Đâu có thứ gì sinh ra là đã có, con người nghĩ như vậy thì nó thành ra như vậy thôi. Con người làm ra như vậy thì nó thành như vậy.

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập được tổ chức tại chùa Mễ Trì Thượng.

Mười năm Nhân Mỹ học đường (NMHĐ) là “một hiện tượng lạ”. Tôi cho đây là “Hiện tượng lạ” bởi vì mô hình này nếu tôi không nhầm thì nó chưa từng xuất hiện ở nơi đâu. Và cũng có thể coi đây là một Mô hình Xã hội hóa rất đặc biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta.

Nó lạ ở chỗ là “HỌC MIỄN PHÍ và DẠY CŨNG MIỄN PHI” luôn, mà không phải chỉ ít ngày mà đã trải qua cho đến nay là mười năm liên tục.

Vì sự kiện đặc biệt này , tôi đề nghị tất cả Quý vị chúng ta hãy nhiệt liệt chúc mừng thày trò NMHĐ, Chúc mừng Cư sỹ Yên Sơn - Đốc giáo Lê Trung Kiên, chúc mừng Hội đồng điều hành, chúc mừng quý vị Học viên Tân và Cựu của NMHĐ lời chúc sức khỏe, tinh tiến, hạnh phúc và thành đạt .

Hiện tượng lạ thứ hai là: nhìn vào lớp học như là “một đại gia đình” với “Tứ đại Đồng đường”, nghĩa là học viên ít tuổi nhất còn ở tuổi 13-14 tuổi, học viên nhiều tuổi nhất thì đã ở tuổi ngoại 80, độ tuổi chênh lệch quá xa như vậy ngồi học trong cùng một lớp tôi có cảm giác như là một Đại gia đình có 4 thế hệ chung sống.

Hiện tượng lạ thứ ba nữa là về trình độ tri thức thang bậc cách nhau quá xa, có học viên còn đang học ở trung học cơ sở, nhưng có học viên là PGS, TS, Thạc sỹ. Lại có học viên bình dị nhưng lại có học viên là nhà Văn, Nhà thơ…

Với đôi điều như vậy cũng đủ thấy rằng đây là” hiện tượng lạ”.

Phát biểu của ông Trần Khánh Dư, giám đốc Trung tâm

Liên Hiệp Quốc đã công nhận Ngôn ngữ và chữ viết là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, như thế, kho tàng Văn hóa phi vật thể này của nhân loại là vô cùng đồ sộ, nhân loại cũng khó mà khai thác hết được cái tinh hoa của nó, song những nền văn hóa lớn rực rỡ có cả nghìn năm thì cũng căn khai thác nó mà phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu trong sự phát triển chung.

Loại hình văn hóa chữ vuông mà NMHĐ quan tâm là một điểm nhấn!

Sau khi Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được thành lập, với nhiều năm làm công tác Tôn giáo chúng tôi thấy rõ rằng muốn nghiên cứu và tìm hiểu sâu về các vấn đề về Tôn giáo tất phải có một đội ngũ những người hiểu sâu về thể loại chữ vuông này kết hợp với việc có kiến thức về văn hóa lịch sử của tôn giáo thì mới khai thác được những giá trị tinh hoa đầy tính nhân văn của các Tôn giáo.

Như giáo lý Nhà Phật với thuyết “Nhân-duyên sinh” mà NMHĐ đã đến với Trung tâm. Và NMHĐ thật sự mạnh lên từ khi NMHĐ là một đơn vị của Trung tâm và đã có đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động, nghiên cứu các thư tịch cổ các văn bản lưu trữ bằng chữ Hán-Nôm… để Trung tâm có cơ sở tư vấn cho cộng đồng.

NMHĐ với nhiều khóa đào tạo đã làm được việc này!

Một chức năng bổ trợ nữa của NMHĐ, tuy gọi là “bổ trợ” nhưng nó hiện hữu như là một bề nổi có tiếng vang lớn góp phần làm đa dạng, phong phú thêm cho cảnh sắc Văn hóa với tâm hồn Việt, đó là bên cạnh việc nghiên cứu chữ vuông này còn luyện về các thao tác, luyện bút pháp cho uyển chuyển, trở nên như là một nghệ thuật mà thày trò NMHĐ đã và đang làm. Nếu mà việc này làm tốt và tập hợp những tác phẩm thư pháp của các học viên lại để xuất bản, biết đâu lại nó trở thành như “Lan đình Tập tự” của Vương Hi Chi thời Đông Tấn (317-420) của nước Tầu trước đây thì sao? Và cũng biết đâu trong số các Học viên của NMHD chúng ta lại có ai dó tham dự với hàng “Tứ thánh” Trung Hoa cổ đại thì sao? Cụ Nguyễn Du cũng đã từng nói rằng: cô Kiều “so vào với Thiếp Lan Đình nào thua” cơ mà.

Năm ngoái tôi có được Hội đồng điều hành của NMHĐ cho biết: chỉ trong mấy năm tham gia với việc viết thư pháp tại Văn Miếu Quốc tử giám mà nay số bàn viết trong Văn Miếu, NMHD đã chiếm tới 9/16 bàn viết trong đó (như thế thì chỉ trong vài năm nữa là chiếm hế của người ta thôi sao?- nói vui vậy thôi). Người ta thường nói “nét chữ - nết người”. Như thế NMHĐ rèn luyện Thư pháp cũng là rèn luyện “Nết người” thế thì nó quý biết bao! Nó mang đậm nét Nhân văn. Xã hội ta hiện nay đang bức xúc “về cái nết người”!

Các đại biểu và học viên trong lễ kỷ niệm.

Cuối cùng thì tôi phải nói thế này, tôi nói cuối cùng là vì tôi dành để báo cáo với Quý vị, nếu nói trước thì nói qua đi mất. Nguyên nhân của kết quả trên (hay quý nhà chùa thường nói là “nhân- quả” không biết có đúng không?) phải nói là công lao của người khởi xướng là Cư sỹ Yên Sơn - Đốc giáo Lê trung Kiên; và sự giúp đỡ quan trọng của TT Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Nhân Mỹ, của Đại đức trụ trì chùa Mễ Trì Thượng với sự cộng tác tích cực với tinh thần vô úy của các Thày giáo, cùng với sự tài trợ giúp đỡ của một số vị tuy chưa nhiều nhưng cũng giúp cho NMHĐ bớt khó khăn xin Tán thán Công đức của Quý vị! Về điều này chúng tôi thấy cần phải xã hội hóa cao hơn mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của NMHĐ trong thời gian tới mong rằng có những mạnh thường quân ra tay tài trợ giúp đỡ cho hoạt đồng lợi ích này.

Nếu có điều kiện mở rộng ra, con cháu chúng ta có thể tham gia nhiều hơn và địa bàn có thể phát triển rộng hơn. Và mọi người ai có điều kiện tham gia nghiên cứu học tập tưởng cũng rất hữu ích, cộng đồng và xã hội. Tôi đã có dịp tâm sự với một cụ Học viên, cụ nói rằng tôi học cho tôi - để tôi biết, nhưng tôi cũng cho con cháu tôi nêu gương - Tức là cụ còn học cho con cháu nữa!

 

Các đại biểu và học viên trong lễ kỷ niệm.

Một điều không thể thiếu được là có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, của Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, trực tiếp là của TS Bùi Thanh Hà, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ đã rất quan tâm đến hoạt động này, TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ là người trực tiếp và rất quan tâm, cùng với Văn phòng ban Tôn giáo, Vụ Tổ chức cán bộ và các vụ chuyên môn khác

Sự học là Vô bờ “Hải học vô biên”, thế nên một số bác ở tuổi cao đã về hưu vẫn say mê tìm hiểu học hỏi và không ngại trong lớp có sự chênh lêch quá nhiều về tuổi tác, chênh lêch quá nhiều về trình độ về kiến thức tự nhiên và xã hội, nhưng như vậy là các bác đã có cái kiến giải tuyệt vời và chí phải, vì rằng đã vào lớp này thì điểm khởi đầu đều như nhau. Có một vị có học hàm, học vị cao sau khi đến dự lễ khai giảng tâm sự với tôi rằng nếu có một lớp mới (ý nói là đồng trang lứa) thì cũng xin đến học. Thế đấy. Cái sự học trước đây chuyện “Phụ-Tử” đồng khoa đã diễn ra có gì phải ngại đâu, thậm chí có chuyện con là Quan chủ khảo khoa ấy, bố đi thi phải đổi họ tên để dự thí mà rồi Quan Chủ khảo khi chấm Quyển đã đánh trượt bài của bố (vì hiểu lầm ý ngắt câu mà đã đánh trược) nếu không thì thí sinh ấy có thể đỗ đến Đệ nhất giáp tiến sỹ chứ chả chơi. Chuyện có thật ở đời Hậu Lê - cha con cụ Nguyễn Công Hoàn và Nguyễn Công Lân đó sao.

Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm.

Một vài hình ảnh trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Nhân Mỹ học đường và triển lãm thư pháp Hàn Mặc lần thứ IV

Phát biểu của Cư sỹ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Điều hành, NMHĐ.

TS Bùi Thanh Hà, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ có đôi lời tâm sự với thày trò Nhân Mỹ học đường.

Phát biểu của Th.S Nguyễn Đức Bá, Chủ nhiệm bộ môn Hán Nôm, NMHĐ.

Phát biểu của TS. Phạm Văn Ánh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, NMHĐ.

Ông Trần Khánh Dư, giám đốc tặng hoa chúc mừng Cư sỹ Yên Sơn - Đốc giáo Lê Trung Kiên.

TS Bùi Thanh Hà, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa Trung tâm.

 

Đại diện Cựu môn sinh khóa 1, 2, 3 tặng hoa chúc mừng Đốc giáo.

Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu Quốc Tử Giám tặng hoa chúc mừng.

Đại đức Thích Thanh Quan Hưng Yên tặng hoa chúc mừng.

CLB UNESCO Thư pháp, lớp Thư pháp Hán Nôm chúc mừng.

BQL di tích đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh chúc mừng.

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chúc mừng.

Ông Trần Khánh Dư, giám đốc Trung tâm tặng giấy khen 03 tập thể đã có những đóng góp tích cực trong các hoạt động của NMHĐ cũng như của Trung tâm.

Đốc giáo Nhân Mỹ học đường tặng Bằng Công đức tới các cá nhân đã có những đóng góp tích cực trong các hoạt động của Nhân Mỹ học đường.

 

Triển lãm Thư pháp Hàn Mặc lần thứ IV được tổ chức tại khuôn viên chùa Mễ Trì Thượng.

 

Màn biểu diễn võ thuật chào mừng Triển lãm Thư pháp.

Màn biểu diễn nhị côn chào mừng Triển lãm Thư pháp.

 

Giám đốc cùng một số thành viên của Trung tâm chụp hình lưu niệm.

Ông Trần Khánh Dư, giám đốc Trung tâm cùng phu nhân tới dự Triển lãm Thư pháp

Cuối cùng, chúc tập thể thày trò Nhân Mỹ học đường lời chúc Sức khỏe, Thành đạt, Hạnh phúc và tiếp tục những bước chân trên con đường. Con đường của bình an, của giá trị, của văn hóa truyền thống. Chúc Nhân Mỹ học đường ngày càng phát triển bền vững.

Bình Yên.

 

 

Các bài viết khác