Đề tài Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và đời sống xã hội là một Đề tài rất mới, vì từ trước nay nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tranh luận cũng chỉ ở lĩnh vực Văn chương, học thuật mà hiếm có một tổ chức hay đơn vị nào đề cập đến Phật giáo. Các tác giả đã khai thác rất nhiều những nội dung mang tính triết lý Phật giáo, vừa là “Lý”, vừa là “Sự” nên Đề tài vừa mới, vừa rộng, và đã nói lên được rất nhiều điều, nhưng cũng chỉ như là một bước chấm phá mở đầu.
Trước Tọa đàm, ngày 29/11/2017, Ông Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Danh dự Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đến Văn phòng Trung tâm tại 59 Tràng Thi để Chúc mừng Trung tâm triển khai Tọa đàm khoa học: Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và đời sống xã hội. Ông không quên động viên, thăm hỏi Lãnh đạo và các thành viên Trung tâm đã và đang thực hiện công tác bảo tồn di sản làm sao phải thực hiện công tác này tốt hơn trước.
GS Ngôn ngữ Nga, nhà Thư pháp Hán Nôm Thế Anh (93 tuổi) viết và gửi tặng ông Nguyễn Khánh câu thơ trong truyện Kiều: "Của tin còn một chút này làm ghi". Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm trao tặng.
Khung cảnh Tọa đàm khoa học Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và đời sống xã hội.
Tọa đàm khoa học Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và đời sống xã hội được tổ chức bởi Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo tại Hội trường nhỏ - Ban Tôn giáo Chính phủ, dưới sự chủ tọa của: PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; và, Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo. Cùng các nhà khoa học, nhà Nghiên cứu, nhà Văn, nhà thơ, nhà giáo và một số đại biểu là những người hâm mộ Đại thi hào Nguyễn Du và văn thơ của Cụ đã góp phần làm nên thành công của Tọa đàm này. Tọa đàm có 28 bài viết của 26 tác giả đã làm sâu sắc thêm những vấn đề mà Đại thi hào Nguyễn Du đã gửi gắm cho hậu thế để làm tốt đẹp cho xã hội hôm nay và cho cả mai sau thông qua triết lý Nhân sinh nhà Phật. Các bài viết sẽ được biên tập để ra mắt độc giả vào ngày hội “Đạp thanh” năm 2018.
Chủ tọa: TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Trong Lời dẫn Tọa đàm, ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm có đoạn: nếu cụ Nguyễn Du không sâu sắc về Phật giáo thì sao có thể thấu hiểu nỗi lòng của mọi kiếp người mà cụ khái quát lên, và cụ cũng dõng dạc tuyên bố: Chỉ có tu tâm dưỡng tính theo tinh thần Phật giáo thì mới làm cho nhà nhà yên vui, người người thự tại và thoát khỏi cái vòng luân hồi luẩn quẩn, làm cho xã hội tốt đẹp, bằng hai câu "Ai ơi lấy Phật làm lòng/Tự nhiên siêu thoát ở trong luân hồi"
Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm khai mạc Tọa đàm khoa học Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và đời sống xã hội.
Gia tài Văn chương của Cụ Nguyễn Du không chỉ gói gọn trong hai tác phẩm (Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh) mà còn nhiều những bài thơ chữ Hán và có lẽ như là những góc khuất mà chưa mấy ai quan tâm đến, ví như "Mười năm gió bụi" của cụ đã nói lên điều gì, và cụ cũng có một thời gian xuất gia đầu Phật, hẳn cụ cũng có nhiều kiến giải về triết lý nhân sinh của Nhà Phật. Cả về Lý và Sự.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu và chúc mừng Tọa đàm.
Phật tử Diệu Lộc cùng nhóm phật tử chùa Pháp Vân, Hà Nội biểu diễn nghệ thuật chào mừng Tọa đàm.
Thư ký Tọa đàm: Cử nhân Văn khoa chị Lê Thị Hồng Thúy và Cử nhân Báo chí chị Nguyễn Thị Chung.
Tham luận của Nhà viết kịch Phương Văn: Sự cân bằng âm - dương - thiện - ác giữa hai nhân vật Hoạn Thư - Thúy Kiều.
Tham luận của Nhà nghiên cứu Thư viện Nguyễn Thị Tiến Minh: Khẩu Phật tâm xà.
Tham luận của ông Phạm Bá Vượng: Truyện Kiều trong đạo Phật.
Đến dự Tọa đàm, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học cũng phát biểu đôi lời về Văn tế thập loại chúng sinh rất gắn với tinh thần từ bi hỷ xả.
Tham luận của PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng: Phật giáo trong các sáng tác văn học của Nguyễn Du.
Từ Cố đô Hoa Lư, nhà thơ Mạc Khải Tuân lên Thủ đô từ sáng sớm để tham dự tọa đàm với phần tham luận: Tính Phật trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa, PCT Hội Kiều học Việt Nam trong những phản biện sau tham luận của tác giả trình bày.
Giám đốc Văn phòng đại diện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Trung tâm, Đại đức Thích Thiện Thông cũng kịp về với Tọa đàm để tham luận: Đôi điều về tư tưởng Phật giáo trong các tác phẩm của Nguyễn Du.
TS Đinh Thị Điểm, Giảng viên triết học - Trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp với tham luận: Giá trị và những bài học của truyện Kiều đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Thượng tọa Thích Tâm Vượng, Viện chủ Cổ Lễ tự, Ủy viên HĐTS GHPGVN với tham luận: Tinh thần Phật giáo trong Văn tế thập loại chúng sinh của Đại thi hào Nguyễn Du.
Tham luận của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn: Phật giáo trong tâm thức sáng tác của Nguyễn Du.
Nhà giáo Phan Thị Thanh Thủy với tham luận: Không gian Phật giáo trong "truyện Kiều" tại Tọa đàm. Đồng thời, tác giả vừa ra mắt cuốn sách "Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ".
Nông dân Trần Diên Linh với tham luận: Dấu ấn Phật giáo trong các thi phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du. Với tham luận này, ông khẳng định những câu thơ trong truyện Kiều đã trở thành ngôn ngữ ngoại giao khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã trích dẫn trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000: “Sen tàn cúc lại nở hoa; Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân” để diễn tả về vạn vật thay đổi qua bốn mùa từ đó nói về ý tưởng thời cuộc và quan hệ giao bàn giữa Mỹ và Việt Nam.
Tham luận của Th.S Nguyễn Hằng Thanh: Nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du trong triết lý nhân quả của đạo Phật.
Phát biểu của TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ tại Tọa đàm.
Cuối Tọa đàm khoa học Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và đời sống xã hội, ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm đưa ra các kết luận. Ông cũng không quên gửi lời thông cảm đến một số tác giả chưa tham gia tham luận vì thời gian có hạn.
Toàn văn Kết luận tọa đàm khoa học Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và đời sống xã hội:
Hôm nay, ngày 05 tháng 12 năm 2017 tại Hội trường Ban Tôn giáo Chính phủ, chúng ta đã tiến hành tổ chức Tọa đàm với trên 60 đại biểu tham dự, gồm đại diện lãnh đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện Lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Lãnh đạo Hội Kiều học, một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ… tham dự. Trong 3 giờ đồng hồ Hội nghị làm việc liên tục đã có gần 20 tác giả trình bầy, sau mỗi bài trình bầy lại có sự trao đổi giữa tác giả với đại biểu dự, với sự làm việc rất tích cực và chất lượng, chúng ta đã thống nhất được một số vấn đề quan trọng. Tôi xin tóm lại như sau:
1. Chúng ta đã thống nhất với đề tài “Đại thi hào Nguyễn Du với Phật giáo và đời sống xã hội” của chúng ta hôm nay là một Đề tài rất mới, vì từ trước nay nhiều cuộc Hội thảo, tọa đàm, tranh luận cũng chỉ ở lĩnh vực Văn chương, học thuật mà hiếm có một tổ chức/đơn vị nào đề cập đến Phật giáo. Như nhiều tác giả trình bầy thì Đại thi hào Nguyễn Du đã khai thác rất nhiều những nội dung mang tính triết lý Phật giáo, vừa là “LÝ”, vừa là “SỰ”. Nên Đề tài của chúng ta vừa mới, vừa rộng, Tọa đàm của chúng ta đã nói lên được rất nhiều điều, nhưng cũng chỉ như là một bước chấm phá mở đầu.
2. Chúng ta cũng thống nhất là Đại thi hào Nguyễn Du không những hiểu về Phật giáo mà còn rất uyên bác bởi Nguyễn Du đã trình bầy hầu như đầy đủ với những tình tiết mang đậm triết lý nhân sinh trong 2 tác phẩm (truyện Kiều và Văn tế Thập loại chúng sinh), Cụ Nguyễn Du tóm gọn lại và làm sâu sắc thêm về Giáo lý “Nghiệp” và “nghiệp báo”. Cụ đã trình bầy rất rõ về “HIẾU” và “HIẾU ĐẠO”, “TÂM” (Tâm tức Phật - Phật tức Tâm) Nguyễn Du đã khẳng định trong những câu Kiều: “Thúy Kiều HIẾU nghĩa đủ đường/Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi” (Nghiệp và trả “nghiệp”) và “Bán mình đã động “HIẾU” “TÂM” đến trời!”. (hoặc “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài”).
Ở cái tuổi “Ngũ tuần” trải qua bao biến cố thăng trầm của bản thân, cụ đã cho ra đời 2 kiệt tác trên. Ở phương diện là nhà nghiên cứu Phật học thì Đại thi hào Nguyễn Du có thể được tôn là một “Đại cư sỹ Phật giáo”, chứ không như một số người đã tưởng (Cư sỹ là người nghiên cứu Phật học ở nhà, không đến chùa).
3. Trong khi đó tôn giáo phương Tây đã du nhập và phát triển mạnh thì Đại thi hào Nguyễn Du đã khẳng định Phật giáo là Tôn giáo truyền thống của người Việt Nam cần được duy trì và phát huy, Cụ đã kêu gọi và đồng thời cũng như là lời tuyên bố bới hai câu cuối của “Văn tế Thập loại chúng sinh”: “Ai ơi lấy Phật lam lòng/Tự nhiên siêu thoát ở trong luân hồi”.
4. Đại thi hào Nguyễn Du phê phán xã hội đương thời thối nát, u mê. Nguyễn Du cũng thông qua "Văn tế Thập loại chúng sinh" mà cảnh tỉnh mọi tầng lớp trong xã hội từ Vua quan, công hầu khanh tướng, cung phi hoàng hậu, học giả, phú gia, những kẻ “màn loan trướng huệ…”, những kẻ Tiền chảy bạc dòng… Những quan lớn “Ngọn bút hoa thác sống trong tay”… khi có thế thì cậy quyền, cậy thế, cậy nhiều tiền, lắm của mà coi khinh người khác, khi sa cơ lỡ vận thì đều là kẻ sất phu như nhau cả, nên lúc thắng thế đừng hại người, hại người cũng chính là tự hại mình: “Hại nhân, nhân hại kêu mà ai thương”.
5. Một điều rất đặc biệt là nhiều câu thơ trong kiệt tác truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã vượt ra ngoài khuôn khổ văn chương và đã trở thành ngôn ngữ ngoại giao. Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức nước Mỹ thì Phó Tổng thống Joe Binden đã sử dụng thơ Kiều để thể hiện quan điểm, để đánh giá quan hệ Mỹ - Việt trước đây, hiện nay và mai sau mang đầy triết lý Phật giáo về “Nghiệp”, “Nghiệp báo”, với “biệt nghiệp” và “Cộng nghiệp” bằng những câu thơ Kiều: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Tháng 11/2000, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã lẩy hai câu thơ: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.
Và khi Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố hủy bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và đầu tư và hỗ trợ cho Việt Nam, thì Obama đã dẫn câu: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Vừa nhẹ nhàng mà vừa sâu sắc biết bao!
6. Tổng thống Mỹ Donal Trump vừa qua sang thăm nước ta và dự Hội nghị APEC, sau 2 ngày làm việc mắt thấy, tai nghe ông ta đã cảm thấy mến Việt Nam, thích Việt Nam, và chắc cũng yêu Việt Nam nên mới có nhận xét tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam với sự phát triển ngoạn mục. Ông ta đã hết lời ca ngợi. Chắc là vì quá bận việc qua đợt đi thăm và làm việc dài ngày nếu không hẳn ông ta cũng mượn thơ Kiều mà nói rằng:
“Ngọn lan càng tỏ thức hồng,
Đầu mày cuối mặt càng nồng tấm yêu!”
Xin cảm ơn tất cả Quý vị!
Xin hẹn sẽ được gặp lại những lần sau!
Bình Yên.