Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) được tổ chức tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vào sáng ngày 12/7/2020 nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu,… và hậu duệ của Hoàng giáp tới dự. Các bài viết của các tác giả và những tham luận tại Hội thảo đã làm rõ nét hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành, đặc biệt là nửa cuối đời của Hoàng giáp. Theo đề nghị của các nhà quản lý đề xuất xây dựng bộ hồ sơ đầy đủ để công nhận đền thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành là Di sản Nho học.
Khung cảnh Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành tổ chức tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định sáng ngày 12 tháng 7 năm 2020.
Một năm trở lại đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo (sau đây gọi tắt là Trung tâm) bổ sung thêm chức năng hoạt động về mảng Tín ngưỡng và được sự đồng thuận của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, điều này đã mở ra một số hoạt động vô cùng ý nghĩa khi nghiên cứu về các đình, đền, miếu, nhà thờ của dòng họ và đặc biệt là nghiên cứu về các dòng họ đã đi cùng chiều dài lịch sử của dân tộc ta mà phần lớn các họ phổ biến gắn liền với các triều đại phong kiến Việt Nam.
Thật vậy, thành ngữ của người Việt có câu "Quốc có quốc pháp, gia có gia phong", bởi vậy, các gia đình luôn giữ gìn truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ đi trước phấn đấu, vun bồi nên, truyền lại cho thế hệ sau noi theo mà kế thừa, mà phát huy truyền thống tốt đẹp đó, là nét văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng của từng dòng họ, là nền tảng tinh thần của sự tồn tại bền vững trong mỗi gia đình cũng như dòng họ đi cùng truyền thống đạo đức là yếu tố cốt lõi.
Những thập niên gần đây, khi kinh tế phát triển nhu cầu tìm hiểu về cội nguồn của dòng họ, hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp về cụ Tổ của mình là nhu cầu tâm linh của các hậu duệ trong dòng họ, hợp với đạo lý và nhân văn trong truyền thống của người Việt ta. Chẳng thế mà, ca dao tục ngữ về cội nguồn có câu "Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn", hay "Con chim có tổ, con người có tông".
Chủ tọa Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành gồm: Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo; PGS.TS Phạm Văn Khoái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Đại diện các chi họ: ông Trần Văn Phúc, ông Trần Văn Vinh, và, ông Trần Văn Kha (từ trái sang).
Đầu năm 2019, gia tộc họ Trần (nơi phát tích tại thôn Văn Mỹ, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) tìm đến Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo đề nghị phối hợp tổ chức nghiên cứu, sưu tầm về sự nghiệp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành và kết hợp trực tiếp với PGS.TS Phạm Văn Khoái người đã được dòng họ mời trực tiếp giúp đỡ thực hiện công việc này với thông tin ban đầu về Hoàng giáp ngắn gọn như sau:
1) Cụ Tổ của dòng họ là Hoàng giáp Trần Hữu Thành, hiện nay dòng họ có 03 chi ở 03 nơi là: thôn An Hạ, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định (nơi phát tích của dòng họ); thôn Đùng, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam; thôn Văn Mỹ, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, Nam Định. Cả 03 chi đều có Từ đường cùng bài vị, hoành phi, câu đối, văn bia;
2) Hoàng giáp Trần Hữu Thành, sinh năm 1558, người xã Đào Lãng, huyện Đại An nay thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 29 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái 1 (năm 1586) đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến Đề hình giám sát ngự sử, quy thuận nhà Lê;
3) Ngày giỗ Tổ là ngày 25 tháng Giêng (lấy ngày giỗ là ngày Hoàng giáp đi về mạn mạn Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên, theo lời cụ dặn là nếu không về thì lấy ngày này làm giỗ).
Tham luận của PGS.TS Phạm Văn Khoái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội; TS Trương Sỹ Hùng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Văn hóa Minh Triết; Th.S Nguyễn Xuân Hà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ (từ trái sang, từ trên xuống)
Từ những dữ liệu được dòng họ Hoàng giáp Trần Hữu Thành cung cấp, các cuộc điền giã được tổ chức bởi Trung tâm, PGS.TS Phạm Văn Khoái và hậu duệ của Hoàng giáp được diễn ra để khảo sát nghiên cứu nhằm phác họa chân dung cuộc đời và sự nghiệp làm quan cũng như nửa cuối cuộc đời của cụ về đâu, làm gì, phần mộ ở đâu là việc không hề dễ dàng mà người ta hay nói là "mò kim đáy bể" quả là không sai.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đưa ra những kết quả chính đã thu thập được trong quá trình nghiên cứu như sau:
Một là, Hoàng giáp Trần Hữu Thành sinh ngày 10 tháng Giêng năm 1558 ở tại cửa đền thờ thần Tản Viên, là con thứ ba của cụ Hữu Học mà các đời sau cũng chỉ có chi cụ Hữu Học là cố thủ ở đất Đào Lãng, còn các chi thì ra mạn “Vị tả chư thôn” (tức vùng đất huyện Nam Trực) cư trú. Cụ thủy tổ là Trần Dĩ Hòa, Trần Dĩ Hiếu, các cụ đều nghĩ việc canh nông làm gốc, chăm chỉ học hành, có thời thì tiến, thất thế rút lui. Được 5, 6 đời mới đến cụ Trần Hữu Học, Trần Hữu Tập, Trần Hữu Thử, Trần Hữu Đạo;
Hai là, nội dung trên bài vị hiện thờ cụ Trần Hữu Thành tại thôn Đại An, xã Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định ứng với công tích và sự nghiệp của cụ như trong trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919 do Phó giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thọ chủ biên, Nhà xuất bản Văn học, 1993. (端泰丙戌科、第二甲進士出身、提刑鑑察御史、陳公有成位 Đoan Thái Bính Tuất khoa, Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Đề hình Giám sát ngự sử, Trần công Hữu Thành vị - Bài vị thờ của Ông Trần Hữu Thành, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái, giữ chức Đề hình Giám sát Ngự sử); và, các câu đối có nội dung liên quan đến bến bờ học vấn, tinh thần, phẩm chất và sự nghiệp của Hoàng giáp (奕世簪英家始祖、千秋橋岳國勳臣。Dịch thế trâm anh gia thủy tổ, Thiên thu kiều nhạc quốc huân thần. Đời nối trâm anh, nhà thủy tổ, Cây cao nghìn thuở bậc huân thần; và, câu đối: 琼苑騷坛兄甲榜、秋霜烈日表貞心。Quỳnh Uyển, Tao Đàn huynh giáp bảng, Thu sương liệt nhật biểu trinh tâm. Quỳnh Uyển, Tao Đàn đầu bảng giáp, Sương thu, nhiệt nóng tỏ lòng trinh). Qua đó thấy được những điểm cơ bản nhất sự nghiệp làm quan của Cụ trong chức vụ “Đề hình Giám sát Ngự sử”, vị trí này tương đương cơ quan tư pháp kiêm Ủy ban kiểm tra trung ương hiện nay.
Tham luận, phát biểu của: Hòa thượng Thích Tâm Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo; Th.S Nguyễn Đức Bá, Trưởng phòng Nghiên cứu Bảo tồn Di sản, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo; TS Trần Vinh Dự, hậu duệ đời thứ 11 của Hoàng giáp Trần Hữu Thành; ông Nguyễn Thế Vinh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo (từ trái sang, từ trên xuống).
Ba là, Theo lịch sử Di tích Đền - chùa Đào Lạng, thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có câu thơ rằng "Trời Đông đã rạng lên rồi/ Sao còn chậm chạp đứng ngồi nơi nao" là cụ được báo mộng nhân một lần về kinh khi qua đền Phúc Thần, xã Thọ Trung Cầu Đảo. Điều này lý giải phần nào Hoàng giáp Trần Hữu thành vừa làm quan nhà Mạc, rồi quy thuận nhà Lê và làm quan nhà Lê cùng giữ chức "Đề hình Giám sát Ngự sử";
Bốn là, Hoàng giáp Trần Hữu Thành không đi về mạn Phù Ủng, Hưng Yên như đã dặn con cháu là lại xuống phía Nam giúp dân lập làng, lấn biển, khai canh và được dân tôn là "Đông Phương điền chủ Trần tướng công thần vị” và lập đền để thờ và gọi là đền Quan Nghè. Sau đó cải cách ruộng đất lại di dời đền này về đền Đào Lạng thôn Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định thờ cụ từ đó đến nay. Vào ngày 14 tháng 2 hằng năm, người dân địa phương tổ chức lễ hội để nhớ về công lao đóng góp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã giúp dân xây dựng quai đê lấn biển xây dựng lên 9 xã thuộc phủ Nghĩa Hưng xưa trong đó có thôn Đào Lạng ngày nay;
Các đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa cùng hậu duệ Hoàng giáp tới dự Hội thảo khoa học: Danh nhân văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
Năm là, Trang Điện tử của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Nam Định thì Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã được tỉnh Nam Định xếp vào hàng Danh nhân văn hóa của tỉnh (đứng hàng thứ 2 trong 6 danh nhân văn hóa thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định);
Sáu là, Một điều đặc biệt về tâm linh là ngày mất của Hoàng giáp Trần Hữu Thành trùng với ngày ra đi mà cụ dặn đi về mạn Phù Ủng, Hưng Yên. Cụ mất ngày 25 tháng Giêng năm Ất Hợi (1635) niên hiệu Dương Hòa đời vua Lê Duy Kỳ (1619-1643), thọ 78 tuổi và được quan Tri phủ Nghĩa Hưng đương nhiệm Trần Thế Thường quê gốc Hà Nam đọc Điếu văn tưởng nhớ. Bài này còn lưu tại đền Bản Tỉnh, thành phố Nam Định;
Ông Trần Diên Linh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo khai mạc Hội thảo; Thư ký Hội thảo: Cử nhân Nguyễn Thu Hà, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Cử nhân báo chí Nguyễn Thị Chung, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo; Các hậu duệ Hoàng giáp; Đại đức Thích Thiện Thông, Giám đốc Văn phòng Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo tại Hội thảo (từ trái sang, từ trên xuống).
Bảy là, Quan Đốc học trấn Sơn Nam, cử nhân Lê Đình Vị cùng quan tri phủ và vợ con, cháu chắt tổ chức tang lễ, phần mộ Hoàng giáp Trần Hữu Thành an táng tại cồn Kim Bồn ở phía Đông Bắc khu đất thuộc thôn Triều Lộc, ngồi hướng Hợi, trông hướng Tỵ, gò đất có cây đa hiện nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Tại Hội thảo khoa học: Danh nhân văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành có 07 tham luận của các tác giả và đại biểu tham dự. Tập tài liệu Hội thảo có 17 bài viết của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa là những tư liệu vô cùng quý giá đã làm rõ về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành.
Mộ phần của Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại cồn Kim Bồn ở phía Đông Bắc khu đất thuộc thôn Triều Lộc bên cạnh cây đa, nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Hòa thượng Thích Tâm Vượng, Cố vấn Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hồng và các thành viên ông Lưu Đức Hạnh, ông Nguyễn Văn Tư, ông Nguyễn Hồng Sơn (Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hồng) viết tặng chữ các vị khách quý, đại biểu tham dự Hội thảo.
Một số hoạt động nghiên cứu về dòng họ Hoàng giáp Trần Hữu Thành:
PGS.TS Phạm Văn Khoái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo cũng các hậu duệ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành trong chuyến điền dã tại các 03 chi tộc của dòng họ, các đền, miếu, đình chùa tại các xã Yên Đồng, xã Yên Trung (huyện Ý Yên, Nam Định), xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm, Nam Định), xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định)
Ngôi đền 3 gian hiện đang thờ Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại khuôn viên chùa Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Tại đây, người dân địa phương giỗ Hoàng giáp Trần Hữu Thành vào ngày 14 tháng 2 hằng năm.
Ngày 25 tháng Giêng hằng năm, dòng họ Trần tổ chức giỗ Tổ - Hoàng giáp Trần Hữu Thành (là ngày đi về mạn Phù Ủng, tỉnh Hưng Yên mà Hoàng giáp dặn nếu không về thì lấy làm ngày giỗ).
PGS.TS Phạm Văn Khoái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố kết quả nghiên cứu ban đầu về Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại cuộc gặp mặt dòng tộc họ Trần - Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại thôn An Hạ, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo cùng hậu duệ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành tới thăm PGS.TS Phạm Văn Khoái tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019.
Bình Yên