TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu): một cái nhìn tổng thể

Ngày: 14:10:11 04/10/2015

Việc kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống đòi hỏi phải được kết hợp với những giá trị đạo đức mới như: "Báo ân - Báo hiếu", với nội dung "Báo tứ trọng ân" cần đưa thêm vào "hình thức cũ" làm phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại. Và như vậy hiếu mới được nâng lên cao hơn, đẹp hơn đó là "hiếu với dân, với nước", và lòng nhân ái cũng được nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo, tính cộng đồng được phát huy và hợp thành chủ nghĩa tập thể, lòng yêu nước được gắn với yêu chủ nghĩa xã hội; tính cần cù, sáng tạo trong lao động gắn với lòng tự tin, ý thức làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. 

Qua tìm hiểu về tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu)1, tôi cảm nhận; đây là một ngày lễ mang tính độc đáo và phong phú của văn hóa tín ngưỡng cộng đồng dân tộc Việt Nam, thể hiện ở nhiều phương diện, mang nhiều yếu tố truyền thống; một trong các phương diện ấy là "Báo hiếu" của người dân.

Tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) của người Việt Nam vừa có những yếu tố thuộc nguồn gốc văn hóa Ấn Độ (qua Phật giáo) vừa có những yếu tố thuộc nền văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa.

Dù xuất phát từ nơi đâu, với người Việt Nam, tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) là tết của dịp "xá tội vong nhân" nơi địa phủ, là dịp để cho tất cả người dân Việt được "sống" trong mùi trầm hương thơm ngát của lễ hội, được về tắm gội trong dòng sông tình thương mà tiếng gọi ngàn đời của nó là nhắc nhở chúng ta đừng quên nuôi dưỡng hiếu tâm, thực hành hạnh hiếu, giữ đạo làm người, hướng trái tim về "Báo hiếu" bậc ân nhân lớn nhất của đời mình.

Linh mục Cadie người Pháp đã phải thốt lên: "Các dân tộc Viễn Đông, nhất là người Việt Nam, là những người mang đậm tâm thức tôn giáo. Thuật ngữ tôn giáo bao hàm nhiều mức độ, nhiều sắc thái. Nếu ta xem tôn giáo là niềm tin vào một Đấng Tuyệt Đối, thực sự to lớn và hoàn hảo, là sự hợp nhất bằng tất cả tấm lòng của chính mình với Đấng Tối Cao có mặt ở khắp mọi nơi, là sự hợp nhất bằng tất cả trái tim Đức Chúa đầy lòng nhân ái, ngự trị và nắm giữ tất cả, cuối cùng vì lòng biết ơn về sự hoàn thiện tột cùng, được biểu hiện bằng sự tôn thờ một cách xứng đáng với Đấng Tối Cao đó, thì ta phải nói người Việt Nam không có tôn giáo. Khái niệm về Đấng Tối Cao tuột khỏi họ, họ sống không có Chúa. Nhưng nếu ta quan niệm là tín ngưỡng, và thực hành ảnh hưởng đến cách ứng xử theo lẽ phải của cuộc đời đến một thế giới siêu nhiên, thì ta thấy người Việt Nam có cái đức tính ấy ở mức độ cao"2.

Và điều này cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thấy khi nhận xét trong văn hóa đổi mới: "Từ xa xưa dân tộc Việt Nam không có tôn giáo theo nghĩa thông thường của nhiều nước khác. Còn nói tôn giáo là thờ cúng thì mọi người đều thờ cúng ông bà, mỗi họ đều thờ cúng tổ tiên, làng thì thờ cúng thành hoàng và các anh hùng cứu nước; các tổ phụ ngành nghề, các danh nhân văn hóa... Từ góc độ văn hóa, tôi thấy đây là một đặc trưng đáng trọng của con người Việt Nam, ở chỗ nó là sự tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay của mọi gia đình và làng xóm"3.

Do vậy trong tâm thức tôn giáo Việt Nam có một đặc điểm rất quý báu, là kỷ niệm những người có công, để tự giáo dục mình sống theo tấm gương của họ.

Vì lẽ đó trong tham luận này, tôi chỉ xin được nêu một vài suy ngẫm trong cái nhìn tổng thể về vai trò của ngày tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu).

Trước hết, phải luôn nhìn nhận tín ngưỡng (tết Trung Nguyên) như một cấu trúc hệ thống trong đó là sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ của hàng loạt yếu tố và mỗi yếu tố lại có những chức năng riêng. Chỉ có thể có được một cái nhìn đúng về vai trò của tín ngưỡng (tết Trung Nguyên) trong thực tiễn lịch sử cũng như hiện tại, khi ta đặt các yếu tố cơ bản, cấu thành tín ngưỡng trong một mối liên hệ không tách rời, đó là: không đẩy cái "thiêng" trong tín ngưỡng thành một phạm trù nhận thức trìu tượng, trái lại nó trở thành đối tượng của những ứng xử cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, không tuyệt đối hóa sự đối lập giữa nghĩa vụ và quyền lợi, không tuyệt đối hóa hạnh phúc cá nhân, con người cá nhân, mà đặt nó trong tương quan với người khác, "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", tìm thấy chính mình trong bổn phận xã hội. Đó cũng chính là một đặc điểm cốt lõi của triết lý dân gian: "Cây có cội, nước có nguồn". Cái cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tiến trình văn hóa dân gian, làm nên vẻ đẹp và sức sống trường tồn của lễ hội truyền thống (tết Trung Nguyên), những nghi lễ, những bài khấn... Trong đó cái "thiêng" là chất kết dính và truyền tải những giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ.

Thật vậy, nên khi Phật giáo truyền vào Việt Nam đã hòa quyện với tín ngưỡng dân gian Việt Nam để cùng hun đúc, làm giàu nền văn hóa Việt Nam mà chủ yếu là lấy từ bi làm căn bản, hiếu là đích của từ bi, tâm từ bi khởi từ chỗ biết yêu thương, kính trọng cha mẹ rồi phát triển đến chỗ tận cùng là thương tất cả mọi loài chúng sinh. Do đó đạo Phật là đạo hiếu, là hiện thân của lòng từ bi, vì Đức Phật trong vô lượng kiếp tu hành đều lấy chữ hiếu làm đầu.

Tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) là ngày đẹp nhất của nghĩa sống tình người, vì hiếu tâm là gốc rễ của tất cả tình cảm tốt đẹp trong cuộc đời, là căn bản của mọi điều hành. Tấm lòng đại hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên là ánh sáng soi đường cho "lẽ làm người". Trong kinh Phật có nói "tâm có thể tạo nghiệp, mà tâm cũng có thể chuyển nghiệp". Sự tích Vu Lan báo hiếu khởi đầu bằng hình ảnh Mục Kiền Liên cứu mẹ trở thành hình ảnh mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc.

Từ ngàn xưa trong nếp sống của dân tộc Việt Nam - ngày mở ngục, các vong nhân được xá tội đã thấm nhuần cùng tinh thần của đạo Phật - lễ Vu Lan Báo Hiếu, còn gọi là cúng cô hồn xá tội vong nhân trở thành cử chỉ cao đẹp gương mẫu cho mọi người noi theo, cử chỉ đó không những dạy con người phải hiếu hạnh, biết báo đáp hồng ân cha mẹ rốt ráo hợp cách, mà cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những kẻ bất hiếu, vô ơn hãy nghĩ đến người chí thân mà lo phần đền ơn đáp nghĩa, đã khắc sâu vào ký ức người Việt Nam qua câu ca dao:

"Tháng sáu buôn nhãn bán trâm

Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân"

(Ca dao)

Theo tích đó, tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) là ngày cầu cúng cho ông bà cha mẹ và thân nhân xa gần. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) cũng đã từng viết về lễ Vu Lan:

Thị hà xá tội hữu hương thần

Ngã kim dục tượng Từ Bi lực,

Cửu đắc vô cô đồ thán nhân...

(Trung Nguyên xá tội - Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Dịch:

Cớ sao còn có Vu Lan?

Từ Bi ta muốn nhờ công sức,

Cứu được bao người chịu khổ đau...

(Đinh Gia Khánh)

Như vậy, Hiếu - Hạnh trong đạo Phật là một quan niệm cứu cánh và siêu việt về không gian và thời gian. Về thời gian là báo đền công ơn cha mẹ, trong vô lượng, vô số kiếp; về không gian là tất cả chúng sinh trong tam đồ lục đạo. Hơn nữa hiếu là giới luật, là công đức của muôn ngàn công đức, và tâm hiếu chính là tâm Phật, hạnh hiếu chính là hạnh Phật. Nên muốn cầu thành Phật quả phải "Báo hiếu" là việc làm đầu.

Đại thi hào Nguyễn Du thấm nhuần tinh thần Phật giáo đã viết bài thơ "Văn tế thập loại chúng sinh"4, bài văn tế này một thời các chùa thường dùng để tụng niệm vào tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu):

Tết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô;

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Ngọn đường lê lác đác sương sa,

Lòng nào lòng chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất,

Có khôn thiêng phảng phất u minh,

Thương thay thập loại chúng sinh,

Hồn đơn phách chiếu lênh đênh quê người.

Hương khói đã không nơi nương tựa,

Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,

Còn chi ai khá ai hèn,

Còn chi mà nói kẻ hèn, người ngu?

Truyền thống tình người đạo đức của dân tộc Việt Nam là thế. Cho nên, đạo Phật với giáo lý đầy lòng từ bi nhân ái, xem trọng chữ hiếu, khi được vào Việt Nam, liền được nhân dân ta chấp nhận và chung sống gắn bó với dân tộc trên suốt cuộc hành trình lịch sử hơn XX thế kỷ trôi qua. Trong "Phân biệt kinh" Đức Phật dạy: "Trải qua kiếp tinh tấn tu tập nay mới thành Phật, tất cả là nhờ công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu thuận với cha mẹ". "Nhẫn nhục kinh" lại dạy: "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cùng cực là bất hiếu". Bởi thế mà tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) đã thể hiện tính cộng đồng sâu sắc, là cái tết hướng về đa nguyên văn hóa và nhân văn hóa, đặc biệt là luôn tôn trọng sinh mệnh và phát triển phương hướng phát huy giá trị sinh mệnh làm ngày tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) có ý nghĩa và nội hàm giáo dục sinh mệnh phong phú nhất.

Cũng ngày này, người Việt Nam đã có một "quy ước": Nếu ai đó còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, chia sẻ, không bao giờ quên ơn cha mẹ:

"Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng

Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười"

Người được hoa hồng sẽ sung sướng vì hiểu rằng mình còn mẹ. Tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) bởi thế không chỉ có ý nghĩa là ngày tết cúng lễ tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cúng cho các vong hồn cô quạnh, mà sâu xa hơn, nó nhắc nhở người ta hiểu biết trân trọng những gì mình đang có: cha mẹ, gia đình, người thân.

Cách nhìn như vậy, đã cho sự đánh giá vị trí, vai trò của ngày tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) một cách khách quan, lịch sử. Bởi vì với tư cách một hiện tượng xã hội, tín ngưỡng cũng thực hiện những chức năng xã hội của mình cùng với các hiện tượng xã hội khác như văn hóa, giáo dục, chính trị, đạo đức... Chính khi thực hiện các chức năng xã hội cụ thể như: chức năng bù đắp tinh thần, chức năng thế giới quan, nhân sinh quan, chức năng điều chỉnh (về mặt đạo đức, luân lý, lối sống...), liên kết xã hội, giao tiếp và nhiều chức năng khác nữa, mà tín ngưỡng (tết Trung Nguyên) thể hiện được vai trò xã hội tiến bộ của mình, góp phần vào sự phát triển tiến bộ chung của dân tộc. Và ngược lại cũng phải lấy điểm xuất phát từ tiêu chí của sự phát triển tiến bộ xã hội (nhu cầu tín ngưỡng của xã hội), nghĩa là phải xem xét kỹ để trả lời câu hỏi vì sao xã hội ở một giai đoạn lịch sử cụ thể này lại thường đòi hỏi có một tín ngưỡng này. Trả lời được câu hỏi đó mới làm sáng tỏ được vai trò, giá trị của một tín ngưỡng nhất định. Có thể nói, bất kỳ một hiện tượng nào cũng chỉ có thể xuất hiện và tồn tại được khi xã hội có nhu cầu về nó. Sự xuất hiện tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) cũng không ngoại lệ (đương nhiên nhu cầu còn phụ thuộc vào thực tiễn, trình độ phát triển của xã hội).

Thực tiễn Việt Nam đã chứng minh; Người Việt Nam được truyền bá nhiều tôn giáo, tín ngưỡng. Song chỉ chấp nhận tôn giáo, tín ngưỡng nào không đi ngược lại với căn bản đạo đức dân tộc, không chống lại những điều tổ tiên ta đã công nhận, rút ra từ nền tảng đạo đức là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Quan niệm về sự tiếp xúc của thế giới trần gian với thế giới thần linh, ma quỷ, vong linh qua hương khói, cúng bái, không hoàn toàn là một điều mê tín dị đoan. Việc nhớ về cội nguồn, ý thức tin tưởng và sợ hãi "trời tru đất triệt", "luật nhân quả", đối với những ứng xử xấu, hoàn toàn có ích để tạo nên nhân cách con người, thúc đẩy làm điều thiện, ngăn cản điều ác, xấu xa tội lỗi. Cho rằng "nếp cũ" là lạc hậu, mê tín dị đoan không thể biện bạch được cho thái độ thờ ơ, kém hiểu biết của nhiều người hiện nay đối với nếp sống của dân tộc. Muốn có được một "phong cách sống hiện đại" phù hợp với đạo lý truyền thống dân tộc cần biết rõ "nếp cũ", thấy được những nét tích cực, đáng trân trọng giữ gìn, gạn lọc được tinh hoa, xác định rõ hạn chế, những gì là mê tín dị đoan, để gạt bỏ, đó mới là con đường đi đúng đắn để tới một "phong cách sống Việt Nam hiện đại" phù hợp với thời đại mới. Trước sự du nhập và ảnh hưởng mạnh mẽ của nhiều văn hóa ngoại lai hiện nay, việc giáo dục cho thế hệ trẻ một "lối sống Việt Nam" thuần khiết mà hiện đại, việc trang bị cho một kiến thức tổng quát về "phong cách Việt Nam truyền thống" là hết sức cần thiết.

Hiểu như vậy, tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) của người Việt Nam trong quá trình hình thành và tồn tại của nó, bên cạnh những hạn chế (tục người dân đốt quá nhiều vàng mã, cúng bái rườm rà5) gây sự xáo trộn trong xã hội thì nó đã góp phần tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, lòng yêu nước, tính cộng đồng...Yêu nước là giá trị đạo đức hàng đầu trong hệ thống đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị hết sức quý báu mà chúng ta cần nghiên cứu, khai thác để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Bản thân mọi giá trị không phải "nhất thành bất biến" mà nó luôn biến đổi cùng tiến trình lịch sử. Các giá trị của ngày hôm qua chưa hẳn đã là giá trị của ngày hôm nay. Nhưng giá trị đạo đức trong tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) như đã phân tích trên có thể nói là vĩnh hằng cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Tuy nhiên, bản thân tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) cũng đã chứa đựng trong nó những giá trị đạo đức không phải là không có hạn chế của lịch sử, bởi nó là sản phẩm của "nền văn minh nông nghiệp", "văn minh làng xã" trong lịch sử. Nên việc kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống đòi hỏi phải được kết hợp với những giá trị đạo đức mới như: "Báo ân - Báo hiếu", với nội dung "Báo tứ trọng ân" (Báo ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên; Báo ơn Thầy dạy dỗ mình; Báo ơn những người đã hy sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho mình, hoặc những người sản xuất vật dụng cho mình hưởng thụ mà đã phải bỏ mình; Báo ơn Tổ quốc nơi mình sinh sống) cần đưa thêm vào "hình thức cũ" làm phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại. Và như vậy hiếu mới được nâng lên cao hơn, đẹp hơn đó là "hiếu với dân, với nước", và lòng nhân ái cũng được nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo, tính cộng đồng được phát huy và hợp thành chủ nghĩa tập thể, lòng yêu nước được gắn với yêu chủ nghĩa xã hội; tính cần cù, sáng tạo trong lao động gắn với lòng tự tin, ý thức làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Có như vậy, thì giá trị đạo đức truyền thống, trong đó có giá trị đạo đức trong tết Trung Nguyên (lễ Vu Lan Báo Hiếu) mới có ý nghĩa tích cực trong việc giữ gìn và xây dựng "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" mà nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) đề ra.

Tín ngưỡng dân gian là thế đó! Vậy ta phải trân trọng bảo tồn, bổ sung thêm những điều cần thiết của nền văn hóa và tâm thức trong xã hội đương đại; đồng thời gạn đục khơi trong, tước bỏ những gì xét ra lạc lõng, có hại cho sinh hoạt cộng đồng./.

PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh, Chủ nhiệm bộ môn Tôn giáo học, Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV.

Ảnh: Tác giả cung cấp.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Pháp sư Đạo thế "Thiện ác nghiệt báo" Chư kinh yếu tập. T. 1, 2. Nxb Phương Đông, 2009.

2. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam: "Kinh Vu Lan". Nxb Tôn giáo, 2003

3. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam: "Mục liên sám Pháp". Nxb Tôn giáo, 2003.

4. Phan Kế Bính: "Việt Nam phong tục". Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.

5. Trần Quốc Vượng: "Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm". Nxb Văn hóa Dân tộc, 2000.

Cadie: Croyances et pratiqnes religieuses des Annamites, Tome III, EFEO, Paris.

 

1 Rằm tháng 7 âm lịch (15 tháng 7).

2 Croyances et pratiqnes religieuses des Annamites, Tome III, EFEO, Paris, p. 225

3 Dẫn theo Phan Ngọc: Một nhận thức về văn hóa Việt Nam. Nxb Văn Hóa Thông Tin, tr. 310

4 Nguyễn Du gọi thập loại (mười loại) là chỉ những hạng người đã chết thật đáng thương: 1) Kẻ tranh bá đồ vương bị thua trận mà chết; 2) Phu nhân quyền quý của các công hầu khanh tướng gặp phen sa cơ phải tự tử; 3) Làm người chính trị lỡ vận bị giết; 4) Những danh tướng công thành vạn cốt - khô cuối cùng bị giết; 5) Những hạng tham lam làm giàu, buôn bán dọc sông ngang biển chẳng quản đường xa, đắm thyền bị cá dữ ăn thịt; 6) Những cái chết của chiến sỹ vô danh; 7) Gái lầu xanh, lúc sông thì tủi nhục, khi chết thì không chồng con cúng dỗ phải hớp cháo thí; 8) Kẻ ăn mày chết ở gầm cầu dơ bẩn; 9) Người mắc vòng lao lý, chết không đi không manh chiếu lành; 10) Trẻ sơ sinh yểu tử.

5 Vì do quan niệm của tín ngưỡng là ngày mở ngục, xá tội vong nhân, báo hiếu. Bởi vậy, trên dương thế, nhiều gia đình đều làm cỗ bàn linh đình cúng gia tiên và đốt rất nhiều vàng mã (quần, áo, mũ, giấy, tiền, vàng, bạc... Cùng với sự hiện đại hóa làm đồ mã như: nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, máy bay, máy vi tính...) cầu siêu độ trì cho người đã khuất. Vì vậy gây tốn kém rất nhiều. Thiết nghĩ đồ mã chỉ là biểu trưng, chỉ cần thể hiện tốt tâm ý của mình nhớ về cội nguồn là được.

Các bài viết khác