"Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình. Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ" là những ca từ đẹp đẽ, lành lặn, sâu lắng khi nói về người mẹ. Mênh mang giữa cuộc đời này thật hạnh phúc cho những người con khi còn cả cha lẫn mẹ. Vào dịp này, mỗi chúng ta lại tưởng nhớ, tri ân, báo ân với các bậc tiền nhân, với ông bà, tổ tiên, các đấng sinh thành - Rằm tháng bảy - mùa Vu Lan về.
Chương trình "Đạo Hiếu và Dân tộc" do Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn - Hà Nội với sự có mặt của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban ngành ở Trung Ương và Hà Nội cùng các vị khách quý và phật tử. Chương trình nhằm tôn vinh các tấm gương đạo hiếu tiêu biểu và đề cao đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ để đền ơn, đáp nghĩa, tri ân và những người có công với đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình được phát trực tiếp trên kênh VTC và An Viên để phục vụ đông đảo khán thính giả nhân ngày lễ Vu Lan năm 2017.
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban ngành ở Trung Ương và Hà Nội tham dự Chương trình Đạo Hiếu và Dân tộc.
Khai mạc Chương trình là phát biểu của Trưởng ban Tổ chức - Hòa thượng Thích Gia Quang. Bài phát biểu có đoạn: Chương trình Vu Lan "Đạo Hiếu và Dân tộc" năm 2017 nhằm tôn vinh các tấm gương Đạo Hiếu tiêu biểu; đề cao đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ để đền ơn đáp nghĩa và tri ân các Anh hùng Liệt sỹ, các thương bệnh binh, các gia đình chính sách, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công với đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại độc lập, hòa bình thống nhất cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Văn nghệ chào mừng Chương trình Đạo Hiếu và Dân tộc.
Vu Lan là nhịp cầu yêu thương, được kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Chúng ta không chỉ nhớ ơn những người cưu mang mình mà còn truy niệm công ơn của những người đã khuất như cửu huyền thất tổ hay chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn - những người đã hy sinh xương máy cho nền độc lập tự do của Tổ quốc để hôm nay, chúng ta có được cuộc sống trong cảnh thái bình, no ấm… Việc tổ chức chương trình Vu Lan "Đạo Hiếu và Dân tộc" năm nay như một nén tâm hương thành kính dân lên những người đã khuất, là nén tâm hương lan tỏa để khơi dậy tinh thần tri ân, báo ân của những người còn sống và sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những bậc tiền bối đã đi xa.
Phát biểu khai mạc chương trình Đạo Hiếu và Dân tộc của Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịnh HĐTS GHPGVN.
Tiếp bài phát biểu, Hòa thượng tôn vinh những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập Dân tộc: Vu Lan về không phải chí có những giọt nước mắt của người con thương nhớ cha mẹ, mà còn biết bao đôi mắt mỏi mòn đã cạn khô dòng lệ nhớ mong con. Vẫn còn đó nỗi đau không thể nào nguôi, khi những người cha, người mẹ đã hy sinh khúc ruột của mình cho sự sống còn của đất nước. Không chỉ trong thời chiến mà ngày hôm nay khi đất nước đã yên bình vẫn còn những người con trung hiếu, mà máu đào của các anh đã đổ xuống để giữ vững nền độc lập tự do cho dân tộc, máu của các anh đã nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc. Những cống hiến của các anh đã làm xanh thêm màu xanh của nước biển, mầu xanh của có cây hoa lá, màu xanh tươi thắm của bầu trời Tổ quốc thân yêu.
Chương trình diễn ra trong không khí đầm ấp, chứa chan tình người, có khi lắng nghẹn khi nhắc đến tình thương vô bờ của người mẹ khi ngày Vu Lan về. Tới dự Chương trình, Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ - TS Bùi Thanh Hà có đôi lời phát biểu để gửi tới quý vị đang xem trực tiếp và khán thính giả xem truyền hình: Lễ Vu Lan trong truyền thống của Phật giáo từ lâu đã trở thành lễ hội lớn không chỉ riêng những người con Phật, không còn thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo mà đã trở thành "lễ hội văn hóa thấm đẫm tình người" phù hợp với truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của Dân tộc Việt Nam. Mùa Vu Lan về cũng là dịp để mỗi người chúng ta tưởng nhớ, tri ân, báo ân với các bậc tiền nhân, với ông bà, tổ tiên, các đấng sinh thành và rộng ra là quốc gia, xã hội. Tôi hy vọng và tin rằng, trong tinh thần đầy lắng đọng của ngày lễ Vu Lan này, với cảm niệm sâu dày về Tứ đại trọng ân, quý vị chức sắc và tín đồ Phật giáo sẽ có những hành động thiết thực để báo ơn quốc gia, dân tộc, đồng bào. Đồng thời tin tấn, nỗ lực hiện thực hóa các giá trị nhân văn, nhân bản trong giáo pháp của đức Thích Ca thành những hành động thiện nguyện cụ thể nhiều hơn nữa, để Phật pháp được trải đến muôn nơi, và mang lại hạnh phúc cho muôn người.
Phát biểu của TS Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Điều hành Ban Tôn giáo Chính phủ tại Chương trình.
Chia sẻ tại chương trình có người lính năm xưa mang tên Võ Đình Tọa đã chống lại mật lệnh khẩn với số hiệu 153 của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 13 tháng 6 năm 1966. Mật lệnh nêu: vào 21 giờ 30 phút ngày 13 tháng 6 năm 1966 phải diệt toàn bộ bàn thờ phật tại Huế và 1 giờ 30 phát thì sẽ tiến ra Quảng Trị thực hiện công việc tương tự. Sau vài phút do dự, người lính này đã quyết định thông báo mật lệnh tối khẩn này cho Phật giáo, dẫu biết rằng việc này bại lộ đồng nghĩa với việc hy sinh mạng sống của mình. Việc làm của ông đã cứu được hàng trăm bàn thờ Phật tại Huế và Quảng Trị lúc bấy giờ. Người lính đó nay với pháp danh Thượng tọa Thích Minh Thông có mặt tại Chương trình để chia sẽ những giây phút cam go thủa trước.
GS Sử học Lê Văn Lan và Thượng tọa Thích Minh Thông chia sẻ những câu chuyện về nguồn gốc lễ Vu Lan và việc làm hữu ích với Phật giáo.
Chương trình cũng dành thời lượng để tôn vinh những tấm gương Đạo Hiếu và tặng quà tri ân đến gia đình chính sách có công với đất nước, không phân biệt giới tính, tuổi tác, xuất gia hay tại gia. Họ được lựa chọn trên tiêu chí Tứ ân của đạo Phật, ân Tam bảo, ân Quốc gia xã hội, ân cha mẹ, ân sinh trưởng và ân chúng sinh vạn loài.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTWMTTQ và Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịnh HĐTS GHPGVN tặng quà đến với những tấm gương đạo hiếu. vạn loài.
Thượng tọa Thích Đạo Phước, Phó Trưởng Ban TTTT GHPGVN, Đại đức Thích Trúc Thái Minh Phó Trưởng Ban TTTT GHPGVN và tặng bằng công đức và quà kỷ niệm của Chương trình đến các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm.
Trong suốt Chương trình Đạo Hiếu và Dân tộc còn có sự tham gia của các ca sỹ, các nghệ sỹ Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn. Những ca khúc về tình mẹ, tình yêu quê hương đất nước và có cả những lầm đường, lạc lối của người con trong cuộc sống được che trở, bao dung trong vòng tay người mẹ.
Câu chuyện về một người thương binh vừa trở về từ chiến trường, hàng ngày cùng đôi nạng gỗ đến trường làng để dạy cho các em thơ về những bài hát của quê hương, qua các ca từ trong thể loại nhạc trữ tình như: "Bài hát có người lính đã hy sinh rất âm thầm/ Cho hôm nay những gót chân son/ Vui quanh vết chân tròn…" trong bài hát Vết chân tròn trên cát của nhạc sỹ Trần Tiến do ca sỹ Minh Thu thể hiện.
Ca khúc Ca dao mẹ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn được biểu diễn bởi ca sỹ Anh Tuyết.
Một sáng tác của nhạc sỹ Trần Tiền, bài hát Mẹ tôi do ca sỹ Tiến Minh thể hiện.
Vở kịch Giọt chiều do các nghệ sỹ Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn.
Tác phẩm nghệ thuật: Bài ca thần chim lạc của nhạc sỹ Phó Đức Phương do tập thể nghệ sỹ biểu diễn.
Bình Yên