TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Thêm một số tư liệu về Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Trần Hữu Thành - Quan nhà Mạc quê ở đất Đào Lãng huyện Đại An phủ Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định

Ngày: 12:33:48 18/01/2021

Năm Bính Tuất (1586), Trần Hữu Thành đỗ cao, được sự giáo hóa của Giáp Trừng(1), khuyên ông Hữu Thành gia cố thành Thăng Long, sai các xứ Tây, xứ Nam đào hào, đắp lũy, trồng tre gai từ sông Hát (Đáy) đến sông Hoa Dinh, dài hàng trăm dặm và 3 lũy đất đắp ngoài thành Đại La, từ Nhật Chiêu qua Tây Hồ, cầu Dền đến bến Thanh Trì, các lũy này cao hơn thành Thăng Long 2,5 trượng, rộng 25 trượng để phòng thủ lâu dài.

 

Cả vùng bốn xứ chỗ nào cũng mất mùa đói kém, càng về xứ Nam càng khốn khổ hơn, nhưng vùng Thanh Nghệ lại không bị gì cả. Ngoài việc lao dịch ấy ra các vị triều thần tứ dục túng tình không sợ dân chúng, như năm Canh Dần (1590) vợ Mạc Kính Chỉ không chịu kém chồng về việc chơi bời, lúc ở chỗ này, khi ra chỗ khác, rồi cả việc ve vãn Nguyễn Thị Niên (con gái của Nguyễn Chuyện) vợ của trấn thủ Nam đạo Bùi Văn Khuê, chỉ huy thủy quân có tài, em gái hoàng hậu. Vợ Khuê mật báo cho chồng. Văn Khuê đem quân về trấn thủ Gia Viễn, rồi cho con là Bùi Văn Nguyên vào hàng quân Trịnh, xin quân Trịnh Tùng tiếp ứng. Việc yếu nhất của Chúa Trịnh là quân thủy nay đã có được... Ngày 25-11 Nhâm Thìn (1592) Mạc Mậu Hợp đã bỏ chạy khỏi Thăng Long.

 

Ông Hữu Thành khi ấy đang là Đông đạo tướng quân, thất thủ bèn chạy về giữ xứ Nam và bước đầu khuyên dân di cư về cuối nguồn sông Đáy ăn ở.

PGS.TS Phạm Văn Khoái cùng hậu duệ Hoàng giáp về thăm thôn Phù Sa Thượng, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định nơi mà xưa kia Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành chỉ huy công việc trị thủy.

 

Sau đó có sự dẫn dắt của Bùi Văn Bình là quan nhà Lê, ông đã về với nhà Lê, được Trịnh Tùng phong cho chức Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông. Các nơi đều theo ông bỏ nhà cửa cũ, về mạn biển khẩn đất, dệt chiếu bán cho dân buôn và lấy ngắn nuôi dài. Ông lập nên 9 xã, từ vùng Hải Lãng trang (vợ con ông và dân các họ làng Đào Lãng đều tập trung ở Hải Lãng trang và dần tản đi các nơi tùy ý). Xuống đến đất Liễu Đề, (trước là Liêu Đê, dân Cổ Liêu ở bèn gọi Liêu Đê) rồi sau gọi trại ra là Liễu Đề (nay là thị trấn của huyện Nghĩa Hưng), rồi phát triển xuống vùng Giao Thủy. Cả một vùng Đông, Tây hàng vài chục dặm, được biên chế ra làng xóm, ăn ở, thiết lập chế độ tự quản. Trong đội ngũ này cũng có tới hàng ngàn quân xứ Đông trú ngụ, lập gia đình tại đây ăn ở lâu dài… (suốt hơn 40 năm sau, ông đã có công xây dựng và phát triển vùng đất này).

 

Dân thưa ra, tật dịch ít, mọi người sống với nhau thân thiện, có lúc còn ủng hộ cho cả quân Trịnh, nên quan lại nhà Lê vốn phục dịch ở phía Nam vất vả nay cũng ùa về vùng đất phía Đông huyện Đại An ở mà không phải đóng thuế. Được một số năm không có bão gió, già trẻ đi lại hỗ trợ nhau, quan mới đến cũng ít kẻ dám ngông cuồng vì lời nói của vị đại thần, của đồng liêu cựu đầy trọng lượng.

Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) tổ chức ngày 12 tháng 7 năm 2020 tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là sự phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo và Hội đồng gia tộc Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

 

Các đền thờ tổ tập làng, thời trước được mở rộng ra xây thêm phần lớn là đền như đền vua Triệu, vua Thục... đường sá đi về thuận lợi, nước biển lên xuống điều hòa. Ông khuyên dân xây giếng lấy nước mưa và mạch nước ngầm uống. Tại trong vùng có các vị văn thân còn sáng chế các loại bài thuốc Nam, viết thành sách, để dạy dân tự lo dùng cây thuốc vườn nhà, tự chữa lấy bệnh. Các thầy rút kinh nghiệm chữa bệnh rồi viết thành sách, như sách "Hữu bệnh tự liệu" quốc âm, sách "Cư gia tất đọc", "Đại trung tiểu tập"... đều được khắc in để dạy nhau truyền khẩu. Do vậy, hiện nay một số vùng này còn những cuốn sách viết tay đằng tả rất dễ hiểu. Tại đền Đào Lạng, xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng có câu đối thờ tổ:

Thánh hiền nhuận trạch nhân tiền hậu

Khai thác công cao thế cổ kim

Đại ý:

Thánh hiền ban phúc lộc dồi dào,

xưa nay được nhờ ơn rộng khắp

Khai thác có công ơn to lớn,

trẻ già đều mát dạ không quên.

Nhà văn Nguyễn Thế Vinh tham luận tại Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) tổ chức ngày 12 tháng 7 năm 2020 tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 

Khi tiễn ông Trần Hữu Thành về Nam Định, Mạc Ngọc Liễn cùng vợ là công chúa Mạc Ngọc Lâm đã tiễn ông, bấy giờ là 25 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1592).

Tôn công vị lão lực phương trường

Tu khẩn hoang điền thế khả đương

Hữu trị cửu thời ưng hữu loạn

Bán đồ tựu quán hóa lai lương

(Tôn công đang khỏe đã già đâu

Mở đất hoang kia sức quá giàu

Có trị dĩ nhiên rồi có loạn

Về quê giao lại kẻ mai sau)

Bài thơ tạ của Trần Hữu Thành trước khi về dời Thăng Long.

Phản quán tòng tư nhật nguyệt trường

Giang Sơn cách trở lực lan đương

Tiên tri Nam Bắc vô phương ngộ

Cung chúc minh công sự sự lương

(Từ nay về quán tháng năm dài

Cách trở non sông cũng yếu rồi

Nam - Bắc đôi đường sao gặp lại

"Minh công gìn giữ" đó lòng tôi)

Ông Trần Hữu Thành được dân tôn là: "Đông Phương điền chủ Trần tướng công thần vị".

 

Tướng công về khẩn hoang bố trí đường đi lối về, theo phép tỉnh điền thời cổ, để vừa cày cấy, vừa tiện bảo vệ.

 

Đến năm Quý Dậu (1633) ngài về quê, sau một lần đứng lên rồi tự nhiên ngã xuống tại đất xã Đào Lãng, tại nơi khi dời đất kinh kỳ về ở đất Hạ Hồng và dừng chân ở chùa Đào Lạng.

 

Ông thầy thuốc chùa Yên Vệ là Tế chúng thiền sư và sư chùa Đỉnh Minh là Hải Nhạc lão trượng, đưa ngài về tư thất tại xóm Triều Lộc (Lộc nước thủy triều) nghỉ ngơi. Đến năm Ất Hợi (1635), niên hiệu Dương Hòa đời vua Lê Duy Kỳ (1619-1643). Cuối tháng Giêng năm ấy, vào ngày 25 mới qua giờ Ngọ, ngài mất ở nơi chính tẩm, hưởng thọ 77 tuổi.

 

Quan Đốc học trấn Sơn Nam, cử nhân Lê Đình Vị cùng quan tri phủ và vợ con, cháu chắt tổ chức tang lễ, phận mộ ngài an táng tại cồn Kim Bồi ở phía Đông Bắc khu đất thuộc thôn Triều Lộc, ngồi hướng Hợi, trông hướng Tỵ, gò đất có cây đa hiện nay vẫn còn.

 

Sau một thời gian, ngôi miếu xây lên (chuôi vồ), trước ba gian. Gian chính giữa thờ Ngài Trần tướng công điền chủ tức hoàng giáp Trần Hữu Thành, thờ 4 ông hai bên là Trịnh Viết Tuần (nay họ Trình con cháu cùng một số gia đình đang sinh sống ở đây), Lê Vũ Ngân (bên trái trông vào) và Bùi Đức Việp, Bùi Văn Nguyện (bên phải trông vào) đều có thạch vị, thạch lô rõ rệt.

Cồn Kim Bồi thuộc cánh đồng Triều Lộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên (nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) - Nơi an nghỉ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635)

 

Bài Điếu điền chủ Trần Hữu Thành, của tri phủ Nghĩa Hưng đương nhiệm Trần Thế Thường, là hậu duệ Trần Lựu công thần triều Lê sơ.

Trần công triều tổ chúng tâm ưu

Tự thử vô y lệ bất hưu

Thiên mạch tòng tư nan kiến tích

Xuân Thu lai bái bất văn lưu

Tùng phong miến tưởng thời lâm thị

Hương hỏa thành cầu nhật mỗi thiêu

Xứ xứ giai tôn điền tổ vị

Khởi nhân thế biến mộ phi triêu

Tạm dịch:

Trần Công chầu tổ chúng nhân đau

Lệ cứ tuôn tràn trước kéo sau

Bờ cõi từ nay thôi vắng bóng

Xuân Thu khi đến tiếng chìm đâu?

Thông than mường tượng đang đi tới

Hương hỏa chân thành gọi bảo nhau

Chốn chốn tôn ngôi điền tổ cúng

Không vì thời biến đổi nông sâu...

 

Trần Lựu có dư duệ ban đầu chạy về Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam, sau về ở đất Lăng Lự, (Năng Tĩnh) thành phố Nam Định hiện nay. Thần tích và bài thơ trên là do ông Trần Đại Tần, ông Khang đền Bản Tỉnh, Nam Định lưu giữ...

Mùa sen năm Canh Tý 2020

 

Nhà văn Nguyễn Thế Vinh

Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo

 

(1) Giáp Hải (1515-1585), sau đổi Giáp Trừng, người xã Dĩnh Kế, huyện Phương Sơn, tỉnh Bắc Giang. Năm 21 tuổi, Giáp Hải đỗ Trạng nguyên vào đời Mạc Đăng Doanh (1538)

Các bài viết khác