TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Hội thảo khoa học Thiền Phái Trúc Lâm đương đại - Đề dẫn

Ngày: 12:33:28 04/10/2018

Sau gần 1 tháng Trung tâm gửi giấy mời đến các đại biểu tham gia viết bài cho Hội thảo Thiền phái Trúc Lâm đương đại đã có 27 bài viết của các tác giả gửi về Ban Tổ chức. Hội thảo khoa học này đã diễn ra trong không khi sôi nổi tại Hội trường Ban Tôn giáo Chính phủ, Hà Nội, sáng ngày 28/9/2018.

Thưa Quý vị đai biểu,

Thưa các nhà Khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà Quản lý,

Thưa Quý vị Giáo phẩm, Tăng ni,

Thưa toàn thể Quý vị.

Tính từ khi kế hoạch Hội thảo được triển khai đến nay vừa tròn 1 tháng và 7 ngày, với 27 bài viết của các tác giả mà sản phẩm là tài liệu Quý vị đang cầm trên tay với tên gọi: Hội thảo khoa học "Thiền phái Trúc Lâm đương đại".

Kính thưa toàn thể Quý vị!

Ở Việt Nam ta, ai đã từng lui tới cửa chùa thì khi nói đến ngôi Tam Bảo của Phật giáo người ta đều biết đó là "Phật - Pháp - Tăng". Thái tử Tất Đạt Đa sau khi tìm ra chân lý cứu đời, tức là Ngài đã thấu hiểu sâu sắc về mọi lĩnh vực trong cõi nhân sinh mà người đương thời khoác cho Ngài danh hiệu là Buddha, sau rồi Tầu phiên âm thành Phật đà, đến Việt Nam ta gọi là Phật - Đức Phật hoặc Bụt - Ông Bụt.

Thái tử Tất Đạt Đa từ khi được cộng đồng tôn vinh là Buddha, là Phật đà, là Đức Phật, thì Đức Phật đã qua 49 năm thuyết pháp với nhiều đề tài khác nhau, cùng với các Đệ tử uyên bác của Ngài thuyết giảng sau này đã trở thành một kho tàng giáo pháp.

Ngay từ khi ở vườn Nai, Ngài đã ban bố giáo pháp "Tứ diệu đế" cho 5 anh em ông Khiều Trần Như. Sau này đã hình thành lên ngôi "Tam Bảo", xếp đặt theo một trật tự có Phật, có Pháp, có Tăng và cứ thế lưu truyền cho đến ngày nay.

Khung cảnh Hội thảo Thiền phái Trúc Lâm đương đại. Ảnh: Bình Yên

Thưa toàn thể Quý vị,

Cách đây gần 40 năm (đầu năm 1980) một vị Hòa thượng rất uyên bác về đạo và rất lịch lãm về đời, cụ là Hòa thượng Thích Trí Thủ lúc ấy cụ là Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, trong một buổi làm việc tại chùa Quán Sứ Hà Nội để chuẩn bị cho việc xúc tiến Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), (sau này cụ là Chủ tịch đầu tiên của GHPGVN), Hòa thượng Thích Trí Thủ đã nói thế này: Có lẽ nay mai ta phải xem xét để xắp xếp lại vị trí của ngôi Tam bảo, rồi cụ chậm rãi nói: Theo tôi nên đổi lại là "TĂNG - PHÁP - PHẬT", bởi có Tăng thì mới duy trì được Giáo pháp mà Giáo pháp có được duy trì thì mới sáng danh đức thế tôn (Đức Phật). Mọi người có mặt hôm đó nghe cụ nói đều im lặng, không ai có ý kiến gì.

Như đã nói trên, Hòa thượng Thích Trí Thủ là người rất uyên bác và lịch lãm nên cụ nêu vấn đề tuy chỉ như là câu chuyện vui, nhưng ngay sau khi kết thúc cuộc làm việc, ra khỏi chùa Quán Sứ - Hà Nội chúng tôi đã có cuộc "Tọa đàm" nhỏ về chuyện này và cũng tranh cãi khá sôi nổi, có ý kiến cho rằng: Hòa thượng Thích Trí Thủ chỉ nói vui vậy thôi, có ý kiến lại nói: Trong lúc chưa đi vào nội dung chính nên cụ nói cho khuấy động không khí mà thôi, nhưng chúng tôi thì lại thấy chuyện không đơn giản như thế. Rõ ràng là Phật giáo ở miền Bắc nhiều năm nay nằm im, không có "thuyết pháp", không có "nuôi tiểu, độ tăng" không có "truyền thụ giới pháp", chỉ đơn thuần là hoạt động theo phong trào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nay có mấy cụ cao tăng miền Nam, miền Trung ra chuẩn bị cho việc thành lập GHPGVN mới khuấy động lên, Phật giáo ở miền Bắc như có luồng sinh khí mới thổi vào mới bừng tỉnh, như thế là Hòa thượng nêu vấn đề có ý tứ sâu sắc hẳn hoi. Phải có Tăng nếu không thì Phật nằm im, pháp cũng nằm im, có tăng giỏi khua động thì Phật Pháp mới sống dậy. Ông thủ trưởng của tôi lúc đó không nói gì, chỉ thở dài.

Chủ tọa Hội thảo PGS.TS Đặng Văn Bài, PCT Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hòa thượng Thích Giác Toàn, PCT HĐTS GHPGVN; ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm; TS. Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo BTGCP (từ phải sang) Ảnh: Bình Yên

Cách đây hơn 700 năm, từ ngôi báu của triều Trần bỗng nhiên xuất hiện một ông Tăng lớn trút áo hoàng bào lên núi Yên Tử cắt tóc xuất gia, giao lại ngôi triều chính cho con, bỏ mặc cả Hoàng hậu, Hoàng phi và Phi tân, Ngài là Đức Vua Trần Nhân Tông, sau khi hoàn thành xứ mệnh hai lần đánh tan quân giặc Nguyên - Mông xâm lược, giữ yên bờ cõi đã đi xuất gia đầu Phật. Đức Vua đã trở thành vị "Trúc Lâm Đại Sỹ", lấy Tinh hoa triết lý của nhà Phật để phổ độ chúng sinh, với cái nhãn quan của Ngài, với phương pháp đem đạo vào đời, lấy đạo phục vụ cho đời và thực hành ngay từ trên núi Yên Tử, từ đó mà lan tỏa rộng rãi ra dân gian. Vua tu, quan tu, cả hoàng tộc cùng tu, dân chúng đều tu, từ đó đã hình thành nên một Giáo phái mà sau này được gọi là "Thiền phái Trúc lâm Yên Tử".

Khung cảnh Hội thảo Thiền phái Trúc Lâm đương đại. Ảnh: Bình Yên

Đã có lần chúng tôi làm việc với Đại lão Hòa thượng Kim Cương Tử khi nói đến Phật giáo thời Lý - Trần, cụ nói Thiền Trúc Lâm Yên Tử thì rực rỡ đấy nhưng là "Thiền nhập thế"!

Gần đây tôi lại được nghe một nhà nghiên cứu nói là Thiền phái Trúc Lâm thời Trần là Thiền nhập thế và nhập thế rất sâu, Đức Vua Trần Nhân Tông đem giáo lý Phật Đà phổ cập trong nhân gian để quy tụ, đoàn kết dân chúng giữ gìn đất nước, từ đó tự nhiên hình thành ra một phái Thiền mang màu sắc rất riêng của Phật giáo Việt Nam.

Như trên đã nói, Đức Vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia tu Phật đã trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm, kế đến là ngài Pháp Loa. Với ngài Pháp Loa tuy không phải là người xuất thân trong Hoàng tộc, cũng không phải trong gia đình các Công hầu khanh tướng mà Ngài là người trong tầng lớp thứ dân, nhưng lại được Đệ Nhất Tổ trúc Lâm chọn làm người để trao truyền Y Bát, và ngài Pháp Loa trở thành vị Tổ thứ hai của Thiền phái này.

Trạng nguyên Lý Đạo Tái, sau hơn 20 năm làm quan trong triều Trần lại xin vua cho xuất gia đầu Phật được Đức đệ Nhất Tổ Trúc Lâm thu nhận làm đệ tử và được mang Pháp hiệu là Huyền Quang sau này là vị Tổ thứ ba của Thiền phái, thì chính Nhà nghiên cứu nói trên cho rằng Đệ Tam Tổ Trúc Lâm đã điều chỉnh lại sự hoạt động của Thiền phái cho cân bằng giữa đạo và đời. Nếu đúng như vậy thì ngài Đệ Tam Tổ Huyền Quang cũng có công lớn trong việc điều hành đường hướng hành đạo của Thiền phái, không như một Đại đức nghiên cứu sinh của Viện Sử học mấy năm trước đây, trong bài viết để lấy đủ tiêu chí để được bảo vệ luận án đã phê bình thẳng thừng rằng ngài Huyền Quang suốt trong mấy trục năm là vị Tổ thứ ba của Thiền phái nhưng không làm được việc gì cả và Đại đức này coi đây như là một phát hiện mới của mình.

Có thể nói, chỉ thoáng nhìn vào hệ thống Truyền thừa cũng có thể thấy ngay cái "đặc biệt" của Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái do một vị Vua anh hùng của dân tộc dựng nên, trong "thành phần" của 3 vị tổ sư: Có vua, có quan, có thứ dân, rồi lại đem triết lý nhân sinh nhà Phật giáo hóa trong nhân gian để thu phục lòng người quy về một mối để "Hộ quốc an dân" thì thật là những vấn đề đặc biệt.

Thưa Quý vị,

Có thể nói rằng, từ ngày lập Thiền phái cho đến mãi sau này nhìn vào bức tranh phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì các Thiền viện trong phạm vi không gian không quá xa Kinh thành. Đúng như nhà Viết sử trong Phật giáo, ông Nguyễn Lang đã đưa ra nhận xét rằng: Sở dĩ Phật giáo thời Lý - Trần được rực rỡ là do Phật giáo của triều đình và các tự viện chỉ bao quanh địa bàn của Kinh thành (theo Việt Nam Phật giáo Sử luận, tập 3 - Tác giả Nguyễn Lang). Và theo Giáo sư Sử học Hà Văn Tấn thì nhận xét rằng: Theo tôi (HVT), Phật giáo thời Hậu Lê cũng là thời kỳ rực rỡ bởi vì Phật giáo thời hậu Lê không được triều đình coi trọng nên đã phát triển về vùng dân quê, thôn dã.

Với những ý kiến này ta có thể xem xét qua sự phát triển của Thiền phái Trục Lâm giai đoạn cận đại hiện nay.

Đại đức Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Phương (trái sang) trong Hội thảo Thiền phái Trúc Lâm đương đại. Ảnh: Bình Yên

Thưa Quý vị,

Tháng 6 năm 1986, tôi được cùng ông lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ xuống nghiên cứu tìm hiểu Phật giáo ở tỉnh Đồng Nai, có đến thăm, tiếp xúc với Hòa thượng Thích Thanh Từ, lúc đó Hòa thượng Thanh Từ đang ở Đồng Nai cụ đang tu ở Thiền viện Thường Chiếu, nhưng tiếp xúc giữa cụ Thanh Từ với chúng tôi lại diễn ra ngoài khuôn viên Thiền viện Thường Chiếu, (không biết bây giờ trong hàng đệ tử của cụ có ai còn nhớ không). Cuộc tiếp xúc trên một mô đất có cụm cây phi lao, với bàn ghế rất đơn sơ kiểu "dã chiến" cách Thiền viện Thường Chiếu theo đường chim bay chỉ khoảng trăm mét. Qua câu chuyện trong tiếp xúc, Hòa thượng Thích Thanh Từ nêu nhiều vấn đề về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, và đề xuất phục hồi Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Sau khi nghe Hòa thượng Thanh Từ trình bày ý tưởng và dự kiến kế hoạch hoạt động của cụ, chúng tôi thấy đây là một ý tưởng hay nhưng là rất khó, khó ở nhiều phương diện...

Nhưng nay mọi việc đã khác, và chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta đã thấy một Thiền phái với hệ thống chùa viện được trùng tu tôn tạo và xây mới đã nói lên sự khôi phục và phát triển của Thiền phái mang đặc trưng của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Như thế, chúng ta có nhiều điều để trao đổi. Mong rằng Hội thảo của chúng ta thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Kính chúc Quý vị mạnh khỏe, chúc Hội thảo của chúng ta thành công.

Xin trân trọng cám ơn!

Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

Các bài viết khác