TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Danh sĩ Trần Hữu Thành thời Mạc

Ngày: 22:23:00 29/01/2021

Trần Hữu Thành (1558-?) người xã Đào Lãng huyện Đại An, nay là làng Văn Mỹ xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tư liệu về nhà Mạc nói chung, về Trần Hữu Thành nói riêng rất hạn chế. Cho đến nay chỉ biết rằng, Trần Hữu Thành đỗ đại khoa thời Mạc, làm quan cho triều Mạc, sau theo về nhà Lê.

 

Nhà Mạc thay thế nhà Lê vào năm 1527, cai quản phần lớn đất đai Đại Việt. Nhà Lê được Trung hưng từ năm 1533, nhưng chủ yếu hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Từ đó, đất nước tồn tại song hành hai triều đại, đó là Bắc triều tức nhà Mạc và Nam triều tức nhà Lê Trung hưng. Giai đoạn đầu, nhà Mạc hưng thịnh, triều đình vững mạnh, đất nước phát triển. Để tuyển chọn nhân tài và tuyển lựa quan lại cho bộ máy chính quyền, nhà Mạc chú trọng đến giáo dục và khoa cử.

 

Khung cảnh Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) tổ chức ngày 12 tháng 7 năm 2020 tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 

Nhà Mạc tổ chức bộ máy chính truyền trên cơ sở hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền khá hoàn thiện từ thời Lê sơ. Đó là một chính quyền quân chủ tập trung cao độ chịu sự chi phối của triều đình từ trung ương đến địa phương và quyền chuyên chế tuyệt đối của nhà vua. Đứng đầu là Hoàng đế (vua), rồi đến các chức Tả Hữu tướng quốc, Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo), Tam cô (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo),... đều giành riêng cho những tôn thất và đại công thần; bên dưới là hai ban văn võ, cùng hệ thống quan chức vận hành bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương. Tại chính quyền trung ương, ngoài các văn phòng giúp việc cho Hoàng đế và Hoàng tộc ra, là các cơ quan lo việc chính sự, giám sát và quân sự, như Lục bộ (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công), Ngự sử Đài và Ngũ phủ. Chính quyền địa phương cũng được cơ cấu bởi ba hệ thống trên, gồm Tam ty: Thừa chính sứ ty, Hiến sát sứ ty và Đô chỉ huy sứ ty. Hệ thống hành chính địa phương lần đầu tiên được kiện toàn với 4 cấp độ: lộ (đạo) - phủ - huyện (châu) - xã từ thời vua Lê Thánh Tông. Để vận hành hệ thống chính quyền này, tất yếu cần có một đội ngũ quan lại đồ sộ và được đào tạo quy mô. Điều đó kéo theo hệ thống giáo dục khoa cử Nho học chặt chẽ từ thời kỳ này.

 

Khoa cử và giáo dục thời Mạc tiếp nối từ nên khoa cử Nho học hưng thịnh từ thời Lê sơ thế kỷ XV. Thi Đình hay Điện thí là kỳ thi cuối cùng và cao nhất do vua đích thân ra đề và phân định thứ bậc để chọn nhân tài phục vụ đất nước. Những người ở vị trí đỗ đầu kỳ thi này được phân làm ba hạng là Đệ nhất, Đệ nhị và Đệ tam (Đệ nhất giáp Đệ nhất danh, Đệ nhất giáp Đệ nhị danh và Đệ nhất giáp Đệ tam danh), tương đương với danh xưng Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Ba vị này được gọi là Tam khôi với danh xưng chung là Tiến sĩ cập đệ. Sau các vị Tiến sĩ hạng nhất này ra, là hạng hai với tên gọi là Đệ nhị giáp, gọi chung là Tiến sĩ xuất thân, hay Hoàng giáp; cuối cùng là hạng ba với danh xưng là Đệ tam giáp, gọi chung là Đồng Tiến sĩ xuất thân, hay Tiến sĩ.

 

Người đỗ Tiến sĩ, được ban chức tước, bổng lộc được định lệ rằng: "Đệ nhất giáp, người đỗ thứ nhất cho Chánh lục phẩm 8 tư, người đỗ thứ nhì cho Tòng lục phẩm 7 tư; người đỗ thứ ba cho Chánh thất phẩm 6 tư đều cho ban chữ Tiến sĩ cập đệ. Đệ nhị giáp cho Chánh bát phẩm 4 tư; được ban chữ Đồng Tiến sĩ xuất thân. Nếu vào Hàn lâm viện thì được gia 1 cấp; nếu bổ làm Giám sát Ngự sử hay Tri huyện thì giữ nguyên phẩm cũ mà bổ".

 

/uploads/images/2021/2021-0129-02.jpgGS.TS Đinh Khắc Thuân tham luận tại Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) tổ chức ngày 12 tháng 7 năm 2020 tại Nhà Văn hóa UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

 

Trần Hữu Thành sinh năm 1558, ở vùng đất chiêm trũng Sơn Nam, nhưng lại có truyền thống khoa danh và thơ phú. Tuy vậy, ông phải trải qua vài chục năm đèn sách, đến năm 29 tuổi (năm 1586) mới đỗ đại khoa.

Về khoa thi này, bộ quốc sử thời Lê là Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Bính Tuất, Quang Hưng thứ 9, Mạc Đoan Thái thứ nhất (1586), mùa Xuân, họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Nguyễn Giáo Phương đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Phạm Minh Nghĩa 3 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Văn Tảo 17 người đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân".

 

Tài liệu Đăng khoa lục ghi chép cụ thể từng người đỗ đạt trong khoa thi này, trong đó có Trần Hữu Thành. Ông được Đăng Khoa lục chép như sau: "Trần Hữu Thành (1558-?) người xã Đào Lạng, huyện Đại An, nay thuộc xã Nghĩa Thái, 29 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái 2 (1586) đời Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Đề hình Giám sát Ngự sử. Quy thuận nhà Lê".

 

Thông thường sau khi thi đỗ Tiến sĩ, các ông nghè này được triều đình bổ chức hoặc ở cơ quan trung ương như Hàn Lâm viện đảm trách công văn giấy tờ, hoặc được bổ ra làm quan ở các địa phương.

 

Chính quyền địa phương thời Mạc đứng đầu là Thừa tuyên sứ ở các đạo thừa tuyên. Từ thời Lê sơ đến thời Mạc, cả nước được chia làm 13 đạo, mỗi đạo có ba cơ quan gọi là Tam ty, đó là Thừa chánh sứ ty lo chính sự, Hiến sát sứ ty lo việc giám sát, kiểm soát, Tổng binh sứ ty đảm trách việc binh.

 

Quý vị đại biểu khách quý cùng các thế hệ hậu duệ Hoàng giáp Trần Hữu Thành tham dự Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

 

Trong ba ty của chính quyền địa phương thì ty Thừa, tức Thừa chánh sứ ty hay Thừa tuyên sứ ty là quan trọng nhất. Bởi bản thân tên gọi của nó mang ý nghĩa "thừa mệnh bố cáo mệnh lệnh của Hoàng đế" (thừa tuyên). Thừa ty vì thế đảm nhận mọi vấn đề dân sự ở địa phương, nhất là việc quản lí hành chính, thuế khóa, các hoạt động kinh tế, cũng như sinh hoạt văn hóa, tập tục, cúng lễ,...

 

Dưới Thừa chánh sứ có hai chức phó là Tham chính và Tham nghị. Thứ bậc của ba chức này là Thừa chánh sứ - Tham chính - Tham nghị. Bởi từ chức Tham nghị, có thể thăng lên chức Tham chính và Thừa chánh sứ.

 

Thừa chánh sứ là quan hành chính đứng đầu ở địa phương trực tiếp chịu sự quản lí về hành chính của Lục bộ. Thừa chánh sứ có thể thăng lên chức Thị lang, thậm chí Thượng thư của một trong sáu bộ ở triều đình.

 

Trần Hữu Thành, sau khi thi đỗ đạt khoa, ông được triều đình nhà Mạc ban phong chức tước, nhậm quan. Tài liệu lịch sử không cho biết cụ thể về các chức tước của ông. Rất may mắn là tài liệu Đăng Khoa lục cho biết, trước khi theo về nhà Lê, ông từng giữ chức Đề hình Giám sát Ngự sử.

 

Giám sát Ngự sử là chức quan ở Ngự sử Đài lo việc giám sát, luật pháp. Bộ máy này ở chính quyền Trung ương có chức trưởng quan là Đô ngự sử, phó quan là Phó Đô ngự sử, cùng 13 viên quan Giám sát Ngự sử 13 đạo. Trần Hữu Thành là một trong 13 vị quan Giám sát Ngự sử này, chủ về việc giám sát, thực thi pháp luật. Người giữ chức trách này phải là quan có học thức và thanh liêm. Điều đó giúp ta hiểu rõ hơn về con người và cuộc đời quan chức của Trần Hữu Thành.

 

Từ những chức vụ này, với học lực uyên thâm ở ông, chắc chắn con đường hoạn lộ sẽ rất hanh thông. Tuy nhiên, ông đã sớm bỏ theo nhà Lê, rồi cáo quan về ở ẩn.

 

Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hồng tặng chữ các đại biểu khách quý tham dự Hội thảo Khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành

 

Tóm lại, Trần Hữu Thành người xứ Sơn Nam có truyền thống khoa bảng, nhưng lớn lên, học hành trong thời kỳ nội chiến Nam Bắc triều. Tuy nhiên, ông có chí học hành, nên đã đỗ đạt cao. Tuy được nhà Mạc trọng dụng, nhưng vì thời thế, ông đã bỏ theo nhà Lê và rồi từ quan về sống cuộc sống ẩn dật. Vì thế, tài liệu ghi chép về sự nghiệp của ông rất hạn chế, nên thật khó hình dung được hết công lao và đóng góp của ông với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, quê hương. May mắn thay, trong một vài tài liệu khoa bảng, chúng ta biết được tài học và khoa danh của ông, cũng như chức tước ông đảm nhận trong triều đình nhà Mạc.

GS.TS Đinh Khắc Thuân

Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo

Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb Văn học, Hà Nội 2006.

Đinh Khắc Thuân, Góp phần nghiên cứu Lịch sử triều Mạc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2012.

Các bài viết khác