TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Lời khẩn cầu sáu trăm năm của Tuệ Tĩnh - Liệu có tiếp tục bị lãng quên?

Ngày: 14:15:37 08/10/2015

Trước khi chết ở nơi đất khách quê người Tuệ Tĩnh đã căn dặn khắc vào bia mộ một di nguyện đúng là như một lời thỉnh cầu vậy, khiến người đọc phải rơi lệ đó là “Về sau ai người nước Nam qua đây xin đưa hài cốt tôi về với”. Một tấm lòng yêu quê hương đất nước thiết tha đến độ tột cùng, tuyệt đối.

Cổ nhân có câu "Thời gian như bóng câu qua cửa" Thật đúng vậy, thấm thoắt đến nay đã hơn bốn năm rồi kể từ ngày số báo văn nghệ ra ngày 18-6- 2011, có đăng bài "Lời khẩn cầu sáu trăm năm của Tuệ Tĩnh" của tác giả Trần Nhuận Minh. Đọc bài báo tôi thực sự xúc động trong lòng trào dâng một nỗi buồn cho một số phận, một kiếp người tài cao nhưng cũng vô cùng bạc mệnh và cũng thấy buồn cho tình đời nhạt nhòa.

Theo tôi được biết thì sau bài báo của Trần Nhuận Minh và bằng các mối quan hệ của ông thì cũng có một số cá nhân và tổ chức lên tiếng hưởng ứng. Nhưng cũng chỉ là số ít lại thiếu sự kết nối nên công việc không đạt được kết quả như ý tưởng của tác giả đề ra. Từ ấy đến nay trong tôi vẫn canh cánh một nỗi ưu tư về lời trăng trối của Tuệ Tĩnh. Nhiều lúc tôi tự hỏi chẳng lẽ xã hội chúng ta ngày nay sống vô cảm, thực dụng và ít quan tâm đến văn hóa “Người” thế sao? Thậm chí cả đến hai địa hạt liên quan đến Đạo và Đời của Thiền sư Tuệ Tĩnh đó là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” và lĩnh vực y học nói chung, y học cổ truyền nói riêng cũng lãng quên vậy sao? Mà không thấy ai lên tiếng hưởng ứng.

Đối với “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” chúng ta đã từng tự hào rằng trong lịch sử Phật giáo nước nhà có một đại Thiền Sư đạo cao đức trọng, thông tuệ, y thuật. Được coi là tổ thuốc nam với câu nói bất hủ được lưu truyền “Nam dược trị nam nhân”. Trong khi lúc bấy giờ công nghệ còn lạc hậu thì Thiền Sư đã dùng cả tính mạng của mình để thẩm định, thử nghiệm, nghiên cứu tìm ra những vị thuốc, những bài thuốc kèm theo những dẫn dải về dược tính của các vị thuốc ấy để chữa bệnh cho chúng sinh, cho phật tử. Hiện nay giáo hội phật giáo nước ta với tinh thần, nhập thế để cứu độ chúng sinh. Nên các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện mang tên “Tuệ Tĩnh đường” được thành lập ở nhiều cơ sở chùa chiền trong cả nước. Ấy vậy mà Giáo hội lại lãng quên lời “Thỉnh cầu, một di nguyện thiết tha của vị tổ sư, tổ thuốc nam của đạo mình. Trong khi giáo lý Phật giáo khuyên răn phật tử của mình phải đề cao lòng “biết ơn” theo như lời dạy của đại thiền sư Tịnh Không (Hồng Kông) thì thậm chí biết ơn là cả kẻ đã đánh đập mình vì người ấy đã giải nghiệp cho mình. Vậy thì những lời thuyết giảng chẳng lẽ đã thành những lời sáo ngữ rồi chăng? Có nhẽ nào lại như thế!

Còn về y học nói chung và y học cổ truyền nói riêng chúng ta dang dùng những bài thuốc, những vị thuốc mà thiền sư đã truyền lại để chữa bệnh cho dân chúng. Nhất là đối với những bệnh nhân nghèo, có thu nhập thấp không có tiền để tiếp cận với các loại tân dược của y học hiện đại. Ngoài ra xu hướng sử dụng y học cổ truyền ngày càng tăng vì tính bền vững, trị tận gốc theo nguyên lý. Ngũ hành của y học cổ truyền. Đó cũng chính là kế sinh nhai của những người hành nghề y dược cổ truyền dân tộc.

Nói theo luật ngữ hiện đại thì chúng ta đang kinh doanh trên thương hiệu của cụ và sử dụng các phát minh sáng chế của cụ mà không phải trả tiền “Bản quyền”. Vậy mà cũng không mấy người trong ngành y dược Việt Nam quan tâm lên tiếng hưởng ứng để đáp lại di nguyện của Tuệ Tĩnh, một đại danh y, một nhà khoa học một biểu tượng về y đức. Có lẽ nào lại như thế?

Ngoài hai lĩnh vực Phật giáo và Y dược thì Tuệ Tĩnh, ngài còn gánh vác trên mình một sứ mệnh ngoại giao, giữ gìn quốc thể. Đối với một người đạo cao đức trọng như ngài, thì cho dù đó là vua quan nhà Minh đi chăng nữa thì cũng chỉ là những chúng sinh cần được cứu vớt mà thôi. Mặc dù được nhà Minh trọng dụng nhưng Thiền Sư vẫn canh cánh một lòng yêu quê hương đất nước. Trước khi chết ở nơi đất khách quê người Tuệ Tĩnh đã căn dặn khắc vào bia mộ một di nguyện đúng là như một lời thỉnh cầu vậy, khiến người đọc phải rơi lệ đó là “Về sau ai người nước Nam qua đây xin đưa hài cốt tôi về với”. Một tấm lòng yêu quê hương đất nước thiết tha đến độ tột cùng, tuyệt đối. Ấy vậy, chẳng lẽ hơn tám mười triệu người dân Việt Nam hiện nay lại vô tâm lãng quên lời di nguyện của một bậc tiền bối đáng kính trọng có công lao với đất nước, với Phật giáo, với Y học, có ân huệ với nhân dân như vậy sao? Không, không phải thế, dân tộc Việt Nam sống đạo lý lắm cơ mà, theo tôi có lẽ vẫn là chữ Duyên trong Phật giáo mà thôi.

Chính vì có suy nghĩ như vậy nên đã thôi thúc, tôi viết bài này gửi các bản báo. Với mong muốn các bản báo hãy vì một việc “Nghĩa” một đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” hãy đăng tải lên cổ động đến cho mọi người dân Việt, mọi tổ chức xã hội cùng chung tay góp sức thực hiện cho được di nguyện của Tuệ Tĩnh. Đặc biệt là hai lĩnh vực Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Y học nói chung, Y học cổ truyền nói riêng hãy tỏ rõ trách nhiệm bổn phận đối với một vị tổ sư của mình.

Hơn nữa hiện nay có một “Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo” ra đời. Vậy thì Trung tâm hãy là đầu mối kết nối và điều hợp các thành phần, các tổ chức xã hội cùng hưởng ứng đóng góp công, của và trách nhiệm để việc đưa hài cốt của Đại Thiền Sư, Đại danh y Tuệ Tĩnh trở về đất mẹ Việt Nam. Bởi lẽ cuộc đời và sự nghiệp của Tuệ Tĩnh chính là một di sản văn hóa nói chung của ngành Y và Giáo hội Phật giáo nói riêng thật vô cùng quý giá và thiêng liêng.

Cũng xin thưa với độc giả, tôi không phải là một phật tử, cũng không phải là thày thuốc, mà tôi chỉ là một kẻ hậu sinh bình thường tỏ bày lòng mình với bậc tiền bối đáng kính trọng mà thôi. Tuy rằng “Hữu Hằng Tâm nhưng vô Hằng Sản” (Có lòng nhưng không có tiền của), song tôi vẫn muốn góp một lời hưởng ứng và cầu mong linh hồn của Thiền Sư ở cõi Niết Bàn cũng như anh linh của các vị tiền nhân Việt hãy độ cho cơ duyên được hợp thành công việc thực hiện di nguyện của Ngài được kết quả viên mãn.

Trần Diên Linh

Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo

Các bài viết khác