TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Đôi điều nói về cuốn sách Hoàng giáp Trần Hữu Thành

Ngày: 15:44:22 03/06/2021

Cuốn sách Hoàng giáp - Đệ nhị giáp Tiến sĩ - Đề hình Giám sát Ngự sử - Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành (1558-1635) được xuất bản là sự cống hiến về trí tuệ, thời gian và công sức của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cùng thế hệ hậu duệ Hoàng giáp Trần Hữu Thành. Bên cạnh đó cũng phải kể đến bà con cô bác hiện đang sinh sống tại khu vực có "Đền Quan Nghè", rồi sau này là "Đền Mở Xã" đã cung cấp những thông tin hiện thực, có giá trị để làm nên thành công cuốn sách này.

 

Thời gian có thể làm phôi pha nhưng không thể xóa nhòa những ghi chép hiện còn lưu giữ của các học giả đương thời và sau này về thân thế và sự nghiệp của Hoàng giáp Trần Hữu Thành, chẳng hạn như ông nghè Vũ Huy Trác (1730-1793), Tiến sĩ Hà Tông Quyền (1798-1839); hay tại các cơ sở thờ tự, trong gia phả của dòng họ khác; cùng ghi chép thời nay của những nhà nghiên cứu... Hơn ai hết, họ là những người yêu thích và mến mộ tài năng đức độ và công lao đóng góp cho nền giáo dục Nho giáo xưa, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của những vị Tiến sĩ đỗ đạt tại các vương triều, trong đó có Hoàng giáp Trần Hữu Thành… để rồi 386 năm sau, những mảnh ghép tưởng chừng "vụn vặt" ngả màu thời gian ấy lại là chất liệu để làm nên bức tranh chân thực về vị Hoàng giáp giữ chức Trấn đông tướng quân, làm quan đến Đề hình Giáp sát Ngự sử ở triều Mạc, sau về triều Lê Trung hưng được chúa Trịnh Tùng giao chức Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông để rồi được mệnh danh là nhà trị thủy có tài, hay người dân lập Sinh Từ để thờ lúc còn sống là sự tri ân đến công tích lớn lao của họ dành cho Hoàng giáp Trần Hữu Thành. Chả thế mà sau khi ngài Chánh sứ về với tiên tổ thì hơn một thế kỷ sau, người học trò của Phạm Duy Cơ (1685-1770) là Bùi Văn Bình năm Cảnh Hưng 28 (1767) biên tập cuốn "Nam châu nhàn chí" có bài 過頹中下總 Quá Đồi Trung hạ tổng, có đoạn:

 

"Qua đây hỏi chuyện khẩu điền xưa

Trọn một niềm vui đội nắng mưa

Đời thấy bao người tu được thế

Làng tôn thờ sống đội ơn thừa"…

là nhớ đến vị "Đông Phương điền chủ Trần tướng công thần vị" đó sao! Và, hiện nay, tại từ đường dòng họ Hoàng giáp Trần Hữu Thành có câu đối "Quỳnh Uyển, Tao Đàn huynh giáp bảng/ Thu sương liệt nhật biểu trinh tâm" là nhắc đến vị quan thanh liêm là vậy.

 

Cuốn sách Hoàng giáp - Đệ nhị giáp Tiến sĩ - Đề hình Giám sát Ngự sử - Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành (1558-1635) xuất bản bởi Nhà xuất bản Tôn giáo vào mùa Xuân năm 2021 là sự tri ân của hậu duệ Hoàng giáp Trần Hữu Thành, là "nén hương thơm" dâng lên Đức Tổ vào đêm giao thừa năm Canh Tý, thật ý nghĩa biết bao!

 

Năm 1592, có lẽ năm khó khăn nhất của Hoàng giáp Trần Hữu Thành khi lựa chọn tiếp tục với nhà Mạc hay về nhà Lê được PGS.TS Phạm Văn Khoái phân tích thấu đáo sự lựa chọn của kẻ sĩ giữa bão táp của lịch sử - cuộc giao tranh Nam Bắc triều. Và rồi, cuối tháng 10 năm ấy, với sự dẫn dắt của Bùi Văn Bình, Hoàng giáp đã về với nhà Lê Trung hưng là một cách nhìn khá sáng suốt thể hiện tinh thần "quân tử kiến cơ nhi tác". Mà trước đó, Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã tiên lượng được nhà Mạc đã không còn được như những buổi ban đầu. Nghiên cứu của Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh cũng đã chỉ ra rằng, vào ngày 25 tháng 10 năm 1592, tướng Mạc Ngọc Liễn cùng vợ là công chúa Mạc Ngọc Lâm tiễn ông Trần Hữu Thành về Nam Định mà có thơ để ghi lại dấu tích của sự kiện này, Trấn đông tướng quân Trần Hữu Thành cũng tạ lại vị tướng Ngọc Liễn câu thơ:

 

Nam - Bắc đôi đường sao gặp lại

"Minh công gìn giữ" đó lòng tôi.

 

Việc ở lại với nhà Mạc hay về nhà Lê cũng được ghi chép trong "Lý lịch Di tích Đền - Chùa Đào Lạng" rằng, một lần trên đường về kinh qua đền Phúc Tân xã Thọ Tung cầu đảo, Hoàng giáp Trần Hữu Thành được thần linh báo mộng, thần cho thơ: "Trời đông đã rạng lên rồi/ Sao còn chậm chạp đứng ngồi nơi nao". Có thể thấy, từ những dữ kiện đó, Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã có sự lựa chọn sáng suốt là dời chốn quan trường để về với nhà Lê, về với dân. Sự kiện đó mở đầu cho những thành tựu sau này khi Hoàng giáp cùng người dân khai khẩn cả vùng đất rộng lớn, trù phú, sầm uất, quy hoạch vùng tại phủ Nghĩa Hưng xưa và hệ thống đê điều ven biển "Đắp đê đắp đến chân trời thẳm" để nói đến chiều dài đê chạy từ phủ An Bang (Quảng Ninh bây giờ) đến tận Ba Đồn (Quảng Bình ngày nay). Đó là tầm nhìn chiến lược của Hoàng giáp về vùng đất ven biển, vừa tránh bị ngập mặn, vừa giữ được phù sa của việc trị thủy dòng sông Đào và sông Ninh Cơ.

 

Cuốn sách Hoàng giáp - Đệ nhị giáp Tiến sĩ - Đề hình Giám sát Ngự sử - Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành (1558-1635) dày 395 trang, là cứ liệu và sự phân tích của 16 tác giả từ 36 bài viết cùng một số tư liệu, có ngót 20 cuộc điền dã cùng 167 hình ảnh được sử dụng trong quá trình nghiên cứu.

 

Về trị thủy hai dòng sông, sông Đào và sông Ninh Cơ, nhà nghiên cứu Hán học Dương Văn Vượng miêu tả khá chi tiết về sự thành công của ngài Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông mà kết quả được quan nhà Lê là Đặng Phi Hiển ca ngợi qua bài 觀新穀熟誌 Quan tân cốc thục chí Xem ruộng lúa mới chín, có câu:

 

Ông Trần đào đất cửa hai sông

Cho chảy về Nam cũng dễ thông
Vạn khoảnh lúa ngô đều đẹp mắt

Ngàn làng già trẻ được no lòng"…

 

Đó là thành quả của sự sáng tạo và miệt mài lao động của người dân đã cùng vị Chánh sứ không quản sớm hôm để hoàn thành việc thau chua, rửa mặn mà ta có thể hình dung ra lúc ấy là những nụ cười rạng rỡ, hân hoan của người già lẫn trẻ nhỏ khi mùa màng bội thu "Ngày thu lúa lắm đẫy kho nhà" và những ngành nghề thủ công phát triển đã mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho người dân "Đêm dệt chiếu nhiều đều bán hết" mà đường đi lối lại rất thuận tiện cho việc giao thương "Đắp đường chia lối đi về thuận/ Có nước chèo thuyền chẳng thấy xa". Chưa dừng lại ở đó, ngài Chánh sứ còn dày công nghiên cứu tìm ra những bài thuốc, dược liệu quý giúp dân chúng chữa bệnh, cứu đời, cứu người "Trồng Cúc cho nhiều đem chữa bệnh", người dân lập Sinh Từ để thờ sống ngài là thế đấy. Có cả những sáng tác thơ văn, đối đáp của ngài mang nhiều dấu ấn về các điển tích, các sự kiện diễn ra thường nhật để rồi "Thơ xuân năm mới đọc canh đầu" thì hiểu rõ thêm về cái tài "nhả ngọc phun châu" của vị Danh nhân văn hóa thật nhẹ nhàng và dễ dàng đến nhường nào. Đi đến những trang cuối cùng của cuốn sách làm người đọc nhận ra một người con của dân tộc, vị thủy tổ của dòng họ thật đa tài. Nói đa tài là bởi ở vị trí nào được giao ngài cũng trọn vẹn niềm tin từ bậc quần thần đến tôi tớ và thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, cơ cực của người dân nông thôn mà vun vén cho sự ấm no của họ.

 

Thật ấm áp khi nhóm nghiên cứu trở lại nơi đại bản doanh đặt tại lỵ sở Phù Sa năm xưa của ngài Chánh sứ, đi bộ trên đê những làn gió mát cứ cuốn theo rồi ngắm nhìn bãi ngô xanh mướt trồng ven sông mà mường tượng ra cảnh được mùa của ngày xưa ấy giao thoa về hiện tại thấy lâng lâng…

 

Với uy tín đức độ và công lao của ngài Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông được lan tỏa ra cả một vùng. Vị Bùi Vũ Quân đang trấn thủ ở cửa Thần Phù (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa ngày nay) ngưỡng mộ mà có thơ tới lỵ sở Phù Sa mừng ngài Chánh sứ 70 tuổi thì quý hóa đến nhường nào:

 

…"Nhớ người khai thác lưu công đức

Ơn vị tổ thần dạy xã dân

Trần chủ xóm thôn còn nhớ việc

Lê triều đền miếu có thơ ngâm

Đại An một chốn ai hơn được

Cúi dưới thềm lan mãi cảnh xuân".

 

Cuốn Hoàng giáp - Đệ nhị giáp Tiến sĩ - Đề hình Giám sát Ngự sử - Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông Trần Hữu Thành (1558-1635) là tập hợp những nghiên cứu và phân tích của nhiều tác giả ở các góc độ khác nhau, liên quan đến bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đến việc tổ chức các khoa thi của triều Mạc, đến các chức quan được bổ cho các vị khoa bảng, đến sự dấn thân của vị Danh nhân văn hóa, đến các từ đường tại các chi tộc Hoàng giáp, và những câu chuyện là lời dặn của Hoàng giáp được lưu truyền qua nhiều thế hệ mà biết bao thế hệ hậu duệ cứ canh cánh trong lòng mà mỗi khi nhớ đến thủy Tổ lại thường trực câu hỏi: cụ Tổ đi về đâu? nửa cuối cuộc đời thế nào? sống chết ra sao?

 

Theo cách nói của nhà Phật, khi hội tụ đủ nhân duyên thì việc sẽ thành, quả thật như vậy! Từ những thập niên cuối của thế kỷ trước đã biết bao khó khăn và những cản trở đã trải qua được Hậu duệ đời thứ mười là ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo mô tả chi tiết và tỷ mỉ. Lúc đó mới hiểu rằng, con đường tìm về cội nguồn không hề bằng phẳng mà tại mỗi sự gập ghềnh và khúc khuỷu đó lại mở ra một hướng đi mới cho cuộc nghiên cứu và cứ thế, cứ thế nhiều con đường được hình thành để đi, đi rồi lại vướng, gỡ vướng rồi lại đi… như thể sự nhọc nhằn của Hoàng giáp và người dân thau chua, rửa mặn ở xứ Phù Sa xưa vậy. Để rồi, mọi việc lại được đơm hoa, kết trái.

 

Thế rồi, giời phật không phụ lòng người, một cuộc nghiên cứu thực sự bắt đầu cho đến khi kết thúc để ra đời cuốn sách này khoảng hai năm đã làm thỏa mãn những băn khoăn chất chứa qua bao thế hệ nay được sáng tỏ, từ đó, làm rực rỡ thêm về vị khoa bảng triều Mạc xưa, một cái kết đẹp đẽ và lành lặn của 43 năm cuối đời của Hoàng giáp Trần Hữu Thành tại triều Lê Trung hưng là vẻ vang được lưu truyền qua bao thế kỷ đến tận ngày nay. Thế mới là "Đời nối trâm anh gia thủy tổ" - một vế của câu đối đang được thờ tại Từ đường của dòng họ còn gì! Thật tự hào cho con cháu là hậu duệ của Hoàng giáp!

 

Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành (1558-1635) do Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo phối hợp với Hội đồng gia tộc Hoàng giáp Trần Hữu Thành tổ chức ngày 12 tháng 7 năm 2020 là những tham luận của các tác giả đã cung cấp những thông tin từ nghiên cứu rất giá trị đến thân thế và sự nghiệp của Hoàng giáp. Không khí cuộc Hội thảo khoa học lắng xuống khi nghe Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh ngân nga lại bài điếu văn trong khói hương trầm lan tỏa khắp căn phòng mà cảm động đến nao lòng, mà nước mắt cứ lùng quanh:

Trần công chầu tổ chúng nhân đau

Lệ cứ tuôn tràn trước kéo sau

Bờ cõi từ nay thôi vắng bóng

Xuân Thu khi đến tiếng chìm đâu?

Thông than mường tượng đang đi tới

Hương hỏa chân thành gọi bảo nhau

Chốn chốn tôn ngôi điền tổ cúng

Không vì thời biến đổi nông sâu...

 

Đó là một cái kết đẹp mà tại thời điểm đưa thi hài Hoàng giáp về nơi an nghỉ cuối cùng tại cồn Kim Bồi (nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) có quan tri phủ Nghĩa Hưng đương nhiệm Trần Thế Thường đọc bài Điếu văn tưởng nhớ điền chủ Trần Hữu Thành. Thời điểm đó có quan đốc học trấn Sơn Nam là Lê Đình Vị cùng quan tri phủ Nghĩa Hưng, gia đình, dòng tộc họ Trần tổ chức tang lễ trọng thể. Tuyệt vời hơn, khi nghiên cứu của Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh cũng đề cập tới bốn ông ít tuổi hơn Hoàng giáp Trần Hữu Thành đã kiên trì theo chủ tướng mà hộ tòng suốt từ khi Hoàng giáp làm quan nhà Mạc đến khi về tiên tổ. Bốn ông là Trịnh Viết Tuần, Lê Vũ Ngân, Bùi Đức Việp và Bùi Văn Nguyện đều ghi rõ ngày tháng mất và đều được an táng cùng Hoàng giáp. Thế mới thấy được uy tín của vị điền chủ và sự trung thành, tận tụy của bề tôi là vậy.

 

Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh ngâm bài điếu văn tại Hội thảo khoa học Danh nhân Văn hóa Hoàng giáp Trần Hữu Thành tổ chức ngày 12/7/2020 tại UBND xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Hội thảo được tổ chức bởi Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa Tôn giáo phối hợp với Hội đồng gia tộc Hoàng giáp Trần Hữu Thành.

 

Hằng năm, thế hệ hậu duệ Hoàng giáp tưởng nhớ tới cụ thủy tổ Trần Hữu Thành vào ngày 25 tháng Giêng theo lời dặn của ngài "Nếu ra đi mà không trở về thì cứ lấy ngày ra đi làm giỗ", kết quả sau nghiên cứu lại trùng hợp thì quả là linh thiêng, hay phải chăng, Hoàng giáp đã thạo với Nho Lý Y Số mà tiên lượng được cả ngày mất của mình!

 

Văn Tiến

Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo

 

Ông Trần Hữu Thành (1558-1635) người xã Đào Lãng, huyện Đại An (nay thuộc thôn Đại An, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), 29 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái 1 (1586) đời Mạc Mậu Hợp, giữ chức Đề hình Giám sát Ngự sử (1586-1592), Chánh sứ Quảng khuyến Canh nông của triều Lê Trung hưng từ năm 1592.

 

Nguồn tư liệu để nghiên cứu về những vị khoa bảng triều Mạc thường hạn chế nhưng đối với Hoàng giáp Trần Hữu Thành quả thực rất nhiều tư liệu ghi chép từ các vị học giả đương thời và sau này, điều đó cho thấy công tích rất lớn của Hoàng giáp đã để lại cho đời, cho non sông gấm vóc.

 

Khi cuốn sách này vừa được xuất bản thì cũng là lúc chúng tôi sưu tầm được hơn 100 bài thơ. Tập thơ là những sáng tác của Hoàng giáp Trần Hữu Thành và sự đối đáp thơ phú cùng các vị quan, vị tướng đương nhiệm và những vị học giả ở những thế kỷ sau vẫn còn ngưỡng mộ. Một sự nghiệp Văn chương đồ sộ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành cũng sắp ra mắt để dâng lên ngài nhân kỷ niệm 465 năm sinh.

 

Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo trân trọng cảm ơn đến các vị học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu,… đã tâm huyết, dày công nghiên cứu để làm nên thành công của cuốn sách này: PGS.TS Phạm Văn Khoái, TS Trịnh Văn Định, GS.TS Đinh Khắc Thuân, Hòa thượng Thích Tâm Vượng, Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, ThS Nguyễn Đức Bá, PGS.TS Đặng Văn Bài, TS Trương Sỹ Hùng, ThS Nguyễn Xuân Hà, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, ThS Hồ Văn Tuấn, TS Bùi Thanh Hà, và, Hậu duệ của Hoàng giáp Trần Hữu Thành: ông Trần Khánh Dư, TS Trần Vinh Dự, ông Trần Diên Linh và ông Trần Thanh Tân; Cùng các thế hệ hậu duệ Hoàng giáp, các cấp chính quyền, các nhà báo, đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh thành.

Các bài viết khác