TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ - Ôn Già Lam, vị đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam

Ngày: 15:13:23 27/07/2015

Chuyến đi thăm Phật giáo miền Bắc lần ấy của Đại lão HT Thích Trí Thủ vị Chủ tịch đầu tiên của Giáo Hội PHVN không phải đơn giản chỉ là một chuyến thăm bình thường mà thực chất là một chuyến đi để HT xem xét tình hình thực tế của Phật giáo và chính sách của Nhà nước đối với Phật giáo ở các tỉnh phía bắc, nên khi đi được ba nơi thấy không khí tốt đẹp thì HT yên tâm và dừng lại.

HT Thích Trí Thủ, vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) đầu tiên của GHPGVN vị Giáo phẩm có nhiều ấn tượng tốt đẹp mà cho đến nay đôi khi tôi lại nhớ đến HT. Tuy tôi cũng chỉ mới được quen biết HT trong vòng có 5 năm, tính từ ngày tôi bắt đầu về làm công tác Tôn giáo (cuối năm 1979) trực tiếp với Phật Giáo cho đến khi Ngài viên tịch vào giữa năm 1984 (02/4/1984).

Người dân xứ Huế dùng từ “Ôn” để thể hiện sự đặc biệt tôn kính đối với người mà họ nhắc đến. Tôi cũng theo đó mà gọi Cố đại lão HT Thích Trí Thủ với sự tôn kính của tôi.

Sau khi về nhận công tác tại Ban Tôn giáo Chính Phủ, tôi được phân công sang làm công tác trực tiếp với Phật giáo, lúc này Phật giáo Việt Nam đang chuẩn bị cho cuộc Vận động thống nhất Phật giáo toàn quốc để thành lập một tổ chức chung của Phật giáo Việt Nam. Tôi là một cán bộ được giao về làm công việc này cùng với một bác cán bộ già đã lâu năm làm công tác Phật giáo nhưng công việc của Bác nhẹ nhàng hơn, là người làm công tác “Quản trị- Hành chính” trực tiếp ở Văn phòng Hội Phật Giáo Thống nhất Việt Nam (HPGTNVN - ở các tỉnh phía bắc). Bác cũng là một cán bộ làm công việc này từ những năm thành lập HPGTNVN (năm 1958). Bên trên tôi có một Bác lãnh đạo cấp Vụ, nhưng Ông cũng lại có trách nhiệm tham gia các công việc chung với các vị lãnh đạo khác của Vụ, vì lúc đó cơ quan có rất ít cán bộ.

Bắt tay vào công việc, tôi đã dành nhiều thì giờ để tìm hiểu về tất cả các Quý vị mà tôi phải tiếp xúc trong quá trình công tác, ngoài ra tôi còn tìm hiểu tất cả các vị ở tất cả các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam lúc bấy giờ và trước đó. Cố đại lão HT Thích Trí Thủ mà tôi trân trọng nói về Ngài hôm nay cũng là một vị mà tôi quan tâm nhiều nhất, bởi vì HT là một nhân vật trụ cột trong việc thống nhất Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX (HT giữ trọng trách trong việc vận động thống nhất Phật giáo với cương vị là Trưởng banVận động thống nhất Phật giáo, sau đó là vị Chủ tịch đầu tiên của GHPGVN) Công đức của Đại lão HT đối với việc Thống nhất Phật giáo, thành lập GHPGVN thì nhiều nhưng ở đây tôi chỉ nói lên mấy điều mà tôi cho rằng nó như là những “dấu ấn” chói lọi, nếu không nói lên để mọi người cùng biết thì quả là một điều thiếu sót:

Một là: HT rất sâu sắc về mặt tổ chức nhân sự. Hồi ấy trước khi nói đến Thống nhất Phật giáo thì rất nhiều vị tỏ ra tích cực hưởng ứng, nhưng ngay sau đó đã có dấu hiệu chững lại, sự chững lại này do có nhiều nguyên nhân mà nhiều người quan tâm tìm lời giải đáp, nhưng chưa có lời giải đáp nào thỏa đáng thì trong một lần làm việc với một vị lãnh đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ (trong đó có cả chúng tôi), HT Trí Thủ chủ động nêu vấn đề nhân sự của tổ chức mới của Phật giáo, Cụ nói: Về nhân sự Điều hành thì trước mắt chỉ nên vừa phải, để dễ cho sự thống nhất ý kiến, còn về Hội đồng bên trên (Hội đồng đứng trên Hội đồng điều hành, làm Cố vấn, Chứng minh trông coi về mặt Giới luật) thì đề nghị không khống chế về mặt số lượng, nghe HT nói, ông Nguyễn Quang Huy (vị lãnh đạo của ban Tôn giáo Chính phủ) còn đang trầm tư suy nghĩ thì HT lại nói luôn: Tôi đề nghị đưa tất cả Quý vị giáo phẩm tuổi đời từ 60 trở lên và đã là giáo phẩm trong hàng lãnh đạo của các tổ chức hệ phái Phật giáo tham gia vận động thống nhất PG toàn quốc vào Hội đồng này, lúc này ông Huy lại càng chưa hiểu ra sao thì HT lại giải thích thêm rằng có như thế thì ý chí về sự thống nhất mới được củng cố, nghe HT giải thích đến đây, ông Nguyễn Quang Huy mới vỡ lẽ vì đây là một giải pháp rất hữu hiệu, vừa có tính chất như là một “giải pháp tình thế” lại vừa có tính chất củng cố cho sự thống nhất và nó bền vững dài lâu. Ông Huy liền tỏ ra đồng tình ngay, và chủ trương đó đã được thực nhiện xuyên suốt cho đến bây giờ.

Hai là: Trong quá trình chuẩn bị khởi thảo các Văn bản để đưa ra lấy ý kiến cho việc tổ chức Hội nghị thống nhất, cũng trong một lần làm việc như trên, HT nêu ra cơ cấu tổ chức các ban ngành ở Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và cấp tỉnh, thành phố, HT đề nghị: Cần có một ban với tên gọi là gì thì cần cân nhắc kỹ nhưng Ban đó có trách nhiệm về vấn đề Phật tử để cho Phật tử yên tâm, vì đã có người đến gặp tôi (HT) và nói rằng “HT đừng bỏ rơi chúng con mà bước sang thuyền khác”. Sau đó ít ngày, HT cho người mời tôi đến phòng riêng của HT ở chùa Quán Sứ và nói với tôi rằng Anh cố gắng báo cáo với bác Huy lưu ý đến đề nghị của tôi về sự quan tâm đến Phật tử tại gia, bằng cách nào cho tiện thì tùy, nhưng phải tỏ rõ sự quan tâm của Tổ chức PG mới đến các Phật tử tại gia, khó khăn thì ta tháo gỡ dần. Ý kiến này đã được quan tâm xem xét và khi soạn thảo Hiến chương của GHPGVN, ban soạn thảo đã xử lý một cách linh hoạt, và đã cho ra đời một Ban, đó là Ban “Hướng Dẫn Nam Nữ Cư sỹ Phật tử” (từ Ban này chuyển qua ba giai đoạn cho đến ngày nay và quá trình diễn biến cũng rất uyển chuyển và tế nhị nên Gia Đình Phật tử được trở lại sinh hoạt bình thường, nhưng đây là cả một quá trình dài (sẽ giới thiệu kỹ ở một dịp khác). Ban này cho đến nay được mang tên là “Ban Hướng dẫn Phật tử”.

Ba là: Việc tấn phong lên hàng Giáo phẩm.

Sau hai năm hoạt động của GHPGVN, tại một cuộc gặp mặt làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, Ôn Già Lam lại đưa ra một đề nghị, Cụ nói: Đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ: Từ nay trở đi Giáo hội đề nghị tấn phong giáo phẩm theo định kỳ, các thủ tục phải được tiến hành đầy đủ, chặt chẽ từ dưới lên và được biểu quyết thông qua tại Hội nghị Trung ương GH sau đó phải được trình ra trước Đại hội nhiệm kỳ, rồi đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ xem xét trình lên Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, sau khi có quyết định phê chuẩn của Nhà nước, Giáo hội mới ra Giáo chỉ Tấn phong và trao cho từng vị. Nghe HT trình bầy cả tôi và ông Nguyễn Quang Huy hơi sững người. Là người rất tinh ý, và hình như cụ đã chuẩn bị sẵn, nên khi thấy không khí hơi chùng xuống, HT liền nói luôn: Thực hiện các thủ tục thì cũng hơi phức tạp thật đấy nhưng từ trước đến giờ ta (Phật giáo) làm đơn giản quá, họ xem thường. Việc này, đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ quan tâm cho một chút, để cho nó xứng tầm. Tôi thấy ông Huy cười rất tươi, ông nói: HT tự đưa mình vào quy củ như thế thì tốt quá! Việc HT Trí Thủ đề nghị được thực hiện từ Đại hội lần thứ hai (1987) trở đi cho đến nay và mãi mãi về sau là một điều tưởng như ngẫu nhiên, nhưng thực tế lại không phải thế!

Bốn là: Lễ truyền giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni và truyền giới Sa di.

Cũng trong thời gian ấy, HT đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ cho phép và giúp đỡ để GH tổ chức: Giới đàn truyền giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni và truyền giới Sa di một lần ở ba miền. HT nói đây quả là một việc làm rất khó, nhưng nếu thực hiện được cho dù ở một khu vực thì cũng thật là tốt. (đề nghị này HT biết là khó nên HT cũng chỉ nêu vấn đề mà không nhắc lại), song sau khi HT thị tịch thì ở thành phố HCM đã có một đợt tổ chức Đại Giới đàn đầu tiên vào năm 1987, Giới đàn này đã được tổ chức để truyền giới cho trên 1000 tăng ni, trong đó có gần một nghìn Tỷ khiêu và Tỷ khiêu Ni, số còn lại là Sa di và sa di ni. Tại đại giới đàn này, Cố HT Thích Từ Hạnh, lúc bấy giờ là phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, người trực tiếp xử lý các thủ tục ở các cấp Chính quyền địa phương giúp cho GH tổ chức Đại giới đàn này được thành tựu, HT đã nói với tôi: Công việc quả là rất khó khăn, phức tạp nhưng “nhờ Chủ trương đã có từ trước” và có sự ủng hộ của các cấp Chính quyền công việc mới được viên mãn, từ đây sẽ tạo ra tiền lệ cho mai sau. Và thực tế nhiều năm tiếp theo cho đến ngày nay việc truyền thụ Giới pháp hàng năm được tiến triển một cách thuận lợi.

Năm là: Một vài cử chỉ nhỏ cao đẹp (ở đây tôi chỉ xin nói một vài cử chỉ nhỏ mà thôi còn nhiều chuyện khác dành để người khác nói)

Khi Phật giáo Bắc Nam xum họp, các vị cao tăng trong Nam ra bắc cũng nhiều, và các vị cao tăng ở Bắc vào Nam cũng khá, qua sự gặp gỡ tiếp xúc nhiều lần, một vị cao tăng ở Bắc là đại lão Hòa thượng Thích Nguyên Sinh, trụ trì chùa Quán sứ- Hà Nội, (nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và sau khi thành lập GH HT là Phó Tổng Thư ký HĐTSGHPGVN) đã nói vui với tôi là: Các vị HT ở miền Nam thì “Vương giả chi sư”, còn Quý vị HT ở miền Bắc thì “Nông dân chi Tổ”. Đánh giá của đại lão Hòa thượng Nguyên Sinh sau này được nhiều người biết thì ai cũng tán đồng. Và nếu đúng thế thì đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ phải là “Đại Vương giả chi sư”, vì cụ là một vị đại cao tăng số một ở trong Nam lúc bấy giờ, thế nhưng cụ lại có những cử chỉ rất cao đẹp, chuyện là thế này: Hôm ấy đến bữa “thọ trai” (thọ trai là ăn cơm trưa - thuật ngữ nhà chùa) mọi lần thì có một phật tử chuyên môn phục vụ cơm nước cho Hòa thượng, nhưng hôm ấy người này có việc ra ngoài, nên một người khác làm thay (bà này không được khôn ngoan lắm) khi bà ta dọn bữa bưng lên hầu Hòa thượng tại phòng nhưng lại không sắp bát đũa gì cả chỉ có lỏng chỏng vài món ăn chay, thông thường ở trong Nam khi đệ tử dâng cơm lên thì người đệ tử đó phải đứng ngay bên cạnh để lấy cơm, gắp thức ăn và thậm chí là phe phẩy cái quạt hầu thày và để nghe sai khiến nhưng bà phục vụ bưng cơm lên rồi bỏ đó xuống thẳng, khoảng mười lăm phút sau khi nhà bếp đang bận sắp cơm cho tăng chúng ở nhà trai (phòng ăn của các sư) thì Đại lão Hòa thượng Trí Thủ xuống nhà bếp gặp mấy người đang chia cơm, cụ cười khà khà rồi cụ nhỏ nhẹ nói: cho Tôi mượn bát đũa ăn cơm đây! Mọi người đang tíu tít với công việc tưởng ai đó nói đùa nhưng bà Bếp trưởng quay ra thấy Đại lão Hòa thượng, liền hốt hoảng lấy vội bát đũa sai người mang lên, nhưng Hòa thượng nói: các vị còn đang bận việc để tôi mang lên thôi, nhưng bà bếp trưởng đã nhanh chân mang ngay lên phòng Hòa Thượng rồi, thấy bà bếp trưởng chạy xuống chắp tay xin sám hối, Hòa thượng chỉ cười và chào mọi người rồi thủng thỉnh lên phòng ăn. Biết chuyện này, hôm đến thăm HT, tôi có nói vui với HT, HT cười bảo: Việc bình thường ấy mà có gì đâu mà phải quan tâm! Ai mà chả có lúc quên việc này, sót việc kia! Từ đó mỗi lần sắp đến bữa ăn Hòa thượng lại xuống bếp xem mọi người làm việc. Lúc bấy giờ điều kiện vật chất còn vô vàn thiếu thốn khó khăn, nên qua đôi lần xem xét như thế, Hòa thượng gặp tôi và Ngài đề nghị được đóng tiền ăn. Hòa thượng nói: Cho tôi góp một phần chi phí cho bữa ăn, tôi phải giải thích cho Hòa thượng rõ, HT cười khà, và nói: nếu thế thì thôi. Nhưng HT lại nói mấy bà nhà bếp vất vả lắm, bếp đông người ăn mà ít người phục vụ (lúc đó có tăng ni sinh của Trường Cao cấp Phật học đang học và ăn ở luôn trong chùa Quán Sứ nên số người ăn rất đông) ngụ ý là HT muốn bồi dưỡng cho mấy người nhà bếp, và HT đã thực hiện việc này một cách rất khéo léo và tế nhị, để mọi người đều hoan hỉ và cảm thông, nhưng rồi HT cũng tế nhị thông tin cho tôi biết, có lẽ để tránh sự hiểu lầm.

Một câu chuyện khác là Hòa thượng không phân biệt "thứ- bậc"

Hội nghị tổng kết cuối năm đầu tiên của GHPGVN được tổ chức tại thành phố HCM vì thế mấy anh em làm công tác Phật giáo đều có mặt trong đó (trong đó có một Bác làm công tác Quản trị- Hành chính tại Trụ sở Trung ương GH - chùa Quán Sứ - Hà Nội, cùng đi). Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GH họp để thông qua Nội dung và Chương trình nghị sự của Hội nghị Trung Ương GH, vào ngày hôm sau, khi Ban Thường trực sắp bắt đầu làm việc thì HT nhìn quanh một lượt, rồi ghé sang chỗ tôi, HT nói: Tôi đề nghị cho mời cả bác Chinh lên dự với ban Thường trực để Bác ấy nắm được tình hình công việc (Bác Chinh là người mà tôi nói ở trên Bác ấy làm công tác Quản trị Văn phòng) Tôi cám ơn HT và xin phép để bác Chinh trực tiếp làm việc với các vị ở Văn phòng II GH trao đổi một số công việc để khi ra Hà Nội giải quyết được dễ dàng hơn. Nghe tôi nói, HT cười và bảo nếu Bác ấy bận thì thôi.

Sau Hội nghị, HT gặp tôi và nói bây giờ thì công việc xong rồi, Tôi mời Anh và bác Chinh cùng Quý HT ở Hà Nội đến thăm và dùng cơm tại chùa tôi để tôi được tiếp quý vị vì bác Chinh ít có dịp vào trong này! Thấy tôi nhận lời HT nói tiếp: Anh đồng ý rồi thì để tôi trực tiếp mời bác Chinh, Anh nhớ nhé. Hôm sau HT cho đệ tử đưa xe đến đón và đến từng phòng mời từng người một ra xe, khi đến chùa, đã thấy HT đứng đón ngay trước sân và mời luôn lên phòng khách dùng trà nước và nói chuyện, HT ân cần thăm hỏi từng người. Đối với quý HT, TT ở Hà Nội vào thì khỏi nói, riêng đối với anh em tôi được HT đón tiếp một cách rất trân trọng coi như “Thượng khách”. Khi bàn ăn đã dọn xong, HT mời anh em chúng tôi ngồi cùng bàn với quý HT, chúng tôi từ chối, HT cố ép, nhưng cuối cùng HT vẫn phải chấp nhận để bác Nguyễn Quang Chinh ngồi ăn ở bàn bên. Trong bữa ăn, HT đến từng bàn ân cần mời từng người một, đặc biệt là đối với bác Chinh và tôi. HT nói các Bác vất vả với GH nhiều lắm. Trong khi khách ăn uống, tôi thấy HT không ngồi yên một lúc nào, HT luôn đi đến các bàn hỏi han về các món ăn có hợp khẩu vị không, đặc biệt là HT giới thiệu về món rau ghém bằng quả Vả, HT nói: đây là sản phẩm tự túc ở vườn chùa, các Bác dùng thử coi, tuy cây Vả mới ra quả được vài năm nay, nhưng hôm nay có khách quý tôi cũng cho trẩy về để thết khách đó. Tôi thấy món ghém Vả lạ miệng cũng ngon nhưng sự ngon đó được tăng lên nhiều lần bởi sự ân cần với khách của HT. Thế đấy, một vị Đại cao tăng từng tiếp xúc với các quan chức cao cấp của mấy thể chế chính trị nhưng cũng lại rất dân giã, không quan cách.

Cuối năm 1983, HT ra Hà Nội Họp hội nghị Mặt trận Tổ quốc VN, gặp tôi, Cụ nói nhờ tôi mời HT Kim Cương Tử vào chùa Già Lam (nơi trụ sứ của HT) một thời gian từ 6 đến 9 tháng - nếu được lâu hơn thì càng tốt, để HT Kim Cương Tử đọc và hiệu đính giúp bộ Luật Tứ phận mà HT vừa cho dịch xong, HT bảo: tôi đã ngỏ lời với HT Kim Cương Tử rồi, ý cụ cũng xuôi nhưng phải có ý kiến của Anh (tức là tôi) thì HT Kim Cương Tử mới có quyết định rứt khóat. Tôi hứa sẽ cố gắng thực hiện điều này, sau khi tôi gặp, HT Kim Cương Tử đã chính thức nhận lời và tôi có thưa lại với HT, Ngài vui lắm!

Cũng dịp ấy, HT đưa ra một chương trình và đề nghị sắp xếp để đầu năm 1984 HT ra bắc đi thăm một số địa phương có đông Phật giáo. Lần đi này theo chương trình được bố trí là đi các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hải Hưng, Ninh bình, Hà Tây, Hà Bắc. Sau khi Văn phòng GH chuẩn bị xong, HT ra đúng như thời điểm đã định. Cùng đi với HT có TT Thích Trí quảng, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GH, cư sỹ Tăng Quang, Phó ban Tài chính, Thượng tọa Thích Giác Toàn, Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN. Hướng dẫn đoàn là Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Chủ tịch Thường trực thường trụ tại phía Bắc, TT Thích Thanh Tứ, Phó tổng Thư ký, kiêm Chánh Văn phòng I. (đại đức Thích Đạt Đạo, đệ tử tháp tùng HT). Những nơi đoàn đến thăm, ngoài Ban Trị sự Phật giáo và một số cơ sở của Tỉnh hội Phật giáo ra còn có lãnh đạo các địa phương cũng tiếp đón đoàn rất chu đáo, trọng thị, do đó HT rất phấn khởi. Đoàn đi được 3 nơi thì HT đề nghị dừng lại để lần sau đi tiếp. Trên đường từ Ninh bình về Hà Nội được khoảng vài chục cây số, HT bảo dừng lại nghỉ chân uống nước ở một quán nhỏ ven đường, tuy quán xuềnh xoàng nhưng HT rất vui, Ngài nói: bây giờ cởi bỏ lễ phục được rồi để đi lại cho thoải mái, ta chỉ còn là một khách lữ hành bình thường thôi mà.

Chuyến đi thăm Phật giáo miền Bắc lần ấy của Đại lão HT Thích Trí Thủ vị Chủ tịch đầu tiên của Giáo Hội PHVN không phải đơn giản chỉ là một chuyến thăm bình thường mà thực chất là một chuyến đi để HT xem xét tình hình thực tế của Phật giáo và chính sách của Nhà nước đối với Phật giáo ở các tỉnh phía bắc, nên khi đi được ba nơi thấy không khí tốt đẹp thì HT yên tâm và dừng lại. Mấy ngày sau chuyến đi địa phương về còn ở lại chùa Quán Sứ - Hà Nội HT rất vui.

Có thể nói Cố đại lão HT Thích Trí Thủ một vị cao tăng uyên bác đồng thời cũng là một nhà tổ chức tài ba, một vị Trụ cột sáng lập GHPGVN đánh dấu một bước phát triển mới rực rỡ của PGVN ở nửa cuối thế kỷ XX.

Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác