TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Tốt đời đẹp đạo

Ngày: 10:04:03 12/05/2015

Đời và đạo tuy hai mà một, tuy một mà hai, bởi đạo chẳng ở ngoài đời và do vậy đạo và đời luôn gắn bó với nhau.

Ở Á Đông và Việt Nam chữ đạo được hiểu theo nghĩa là con đường (cách thức, phương pháp… và được ghép vào các tôn giáo - theo cách gọi sau này), do vậy để chỉ về tôn giáo người ta gọi đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão… Chữ đạo này đã làm cho tôn giáo (đạo) gần gũi hơn với đời sống, nó chú trọng tới tôn giáo trong đời sống thường ngày hơn là một cõi xa xôi siêu việt, và làm cho tôn giáo sống động trong mỗi con người và cộng đồng, bởi các công việc thường ngày như ma chay, cưới hỏi… và cả công việc của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Giá trị nhân văn của tôn giáo và giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc Việt Nam là nền tảng cho sự gắn kết đạo - đời trở thành một phương châm, một lối sống tốt đời, đẹp đạo mà ngày nay một số người gọi là ích đời, lợi đạo.

Hiện nay có nhiều tôn giáo khác nhau ở Việt Nam, dù mỗi tôn giáo có giáo lý, nghi lễ riêng song đều gắn bó với dân tộc không chỉ ở phương châm hoạt động mà cả ở các hoạt động xã hội cụ thể của các tôn giáo. Phật giáo được coi là tôn giáo nhập thế (theo cách của Phật giáo), đã gắn bó với dân tộc trong suốt quá trình tồn tại và phát triển được định hướng bởi Đạo pháp bất ly thế gian giác, cụ thể hơn hiện nay là phương châm: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Công giáo dù trong thời kỳ Việt Nam còn là thuộc địa, một bộ phận nhỏ bị chủ nghĩa thực dân lợi dụng, song trong giáo lý, trong những điều răn dạy của Thiên chúa đã định hướng cho người Công giáo Việt Nam sống kính Chúa, yêu người; tôn trọng lẽ thật, hay cụ thể hơn hiện nay là: Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào. Đạo Cao đài dù có nhiều Hội Thánh, song tựu trung lại đều hoạt động theo phương châm: Nước vinh - Đạo sáng. Đạo Tin Lành cũng có nhiều Hội thánh song mục đích cũng là: Đồng hành cùng dân tộc. Đạo Hòa Hảo gắn bó đạo - đời bởi phương châm: Vì đạo pháp, vì dân tộc. Các tôn giáo khác ở Việt Nam như: Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ ân Hiếu nghĩa...cũng luôn gắn đạo với đời và luôn được định hướng bởi sự tuân thủ pháp luật và luật đạo, gắn bó với dân tộc.

Tốt đời, đẹp đạo không chỉ ở quan niệm, ở phương châm hoạt động, mà mỗi tôn giáo theo cách riêng của mình đã tham gia vào nhiều hoạt động xã hội cụ thể như: Cứu trợ người nghèo, người bất hạnh; khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; giúp đỡ những người bất hạnh...Sự tham gia vào các hoạt động này như là nhu cầu bên trong của người tôn giáo, bởi " Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”, hay bởi cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, kẻ khó đến nhà thì đừng ngoảnh mặt đi... Do vậy tốt đời không phải chỉ là đòi hỏi về văn hóa, đạo đức xã hội mà còn là bởi đức tin vào những điều tốt đẹp nhằm hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, cũng như những giá trị siêu việt của mỗi một tôn giáo.

Tạo điều kiện để các tôn giáo tham gia nhiều hơn, có hiệu quả hơn vào các hoạt động xã hội để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn cũng chính là tạo điều kiện để tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo, và qua đó cũng tạo sức mạnh đoàn kết dân tộc nhằm xây dựng xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trương Hải Cường, PGĐ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

Các bài viết khác