TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Kết luận và kiến nghị trong cuộc Tọa đàm Khoa học: “Vu Lan - Báo hiếu của đạo Phật với xã hội Việt Nam hiện nay”

Ngày: 17:40:47 09/09/2015

Lễ Vu lan - Báo Hiếu của đạo Phật không những chỉ là nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo, mà nó còn là ngày lễ mang tính độc đáo và phong phú của văn hóa tín ngưỡng cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ngày Lễ này nên đưa vào lịch hàng năm, để các công sở được nghỉ, cho con cháu có điều kiện về thăm nom bố mẹ, ông bà, cho tình thân trong gia đình thêm gắn bó; Cho Hiếu Đạo Việt Nam được sáng rõ; Cần chính thức đưa môn giáo dục "Đạo Hiếu" vào chương trình dạy học ở các cấp học phổ thông.

Sau gần 4 giờ đồng hồ làm việc của cuộc Tọa đàm Khoa học về chủ đề “Vu Lan - Báo hiếu của đạo Phật với xã hội Việt Nam hiện nay”, với sự nhiệt tình và tâm huyết, với một lễ nghi mang tính truyền thống lâu đời về sự Hiếu nghĩa của con người Việt Nam ta, của toàn thể Quý đại biểu chúng ta, tuy thời gian rất ngắn, song chúng ta đã có hơn mười bản báo cáo tham luận mang tính lý luận và thực tiễn cao có liên quan đến đời sống tinh thần của xã hội hiện nay đã được trình bày, cùng với nhiều ý kiến phát biểu của Quý vị.

Khung cảnh tọa đàm khoa học: Vu lan - Báo hiếu của đạo Phật với xã hội Việt Nam hiện nay.

Trung tâm coi đây là những đóng góp vô cùng quý báu và quan trọng, nhằm góp phần làm cho Nghi lễ này đúng với vai trò vị trí và tầm vóc của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay, để góp một phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức mang tính nhân văn cao cả của lễ nghi “Báo Hiếu - Báo Ân” để thể hiện rõ tinh thần của “Đạo Hiếu” của con người Việt Nam.

Ông Dương Ngọc Tấn, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng Tọa đàm khoa học.

Những tham luận và ý kiến phát biểu của Quý vị có thể coi như một Thông điệp về sự hiếu nghĩa hay một “Đạo Hiếu Việt Nam” mà xã hội cần phải quan tâm đối với hiện tại và tương lai.

Qua những tham luận và phát biểu trong cuộc Tọa đàm khoa học về chủ đề "Vu Lan - Báo Hiếu của đạo Phật với xã hội Việt Nam hiện nay", bước đầu chúng ta đã thống nhất được một số vấn đề:

1. Lễ Vu Lan - Báo Hiếu của Đạo Phật tổ chức vào Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, có ý nghĩa to lớn, có giá trị đích thực và tích cực trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam trải nghìn năm cho tới ngày nay. Nó có tính văn hóa nhân bản sâu sắc hơn hẳn một số lễ hội ở phương Tây, có bề dầy lịch sử, đã được nhà nước thuộc nhiều triều đại tổ chức với tính cách Quốc lễ. Nó hòa nhập và duy trì nguồn mạch Hiếu Đạo của người Việt.

2. Lễ Vu lan - Báo Hiếu của đạo Phật không những chỉ là nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo, mà nó còn là ngày lễ mang tính độc đáo và phong phú của văn hóa tín ngưỡng cộng đồng dân tộc Việt Nam, thể hiện ở nhiều phương diện, mang nhiều yếu tố truyền thống, mà nét nổi bật nhất là tinh thần Báo Hiếu, Báo Ân bậc sinh thành, phụng dưỡng khi còn sống và thờ cúng khi đã chết, cùng với đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của người con Việt, nó không giới hạn bởi tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Vì HIẾU là gốc của nhân cách, là cốt lõi của Nhân, Trí, Dũng. Mặc dù trong quá trình lưu truyền, có một số nội dung và hình thức lễ nghi có bị mai một, sai lệch, nhưng vẫn giữ được tính cơ bản của nó, đã góp phần làm nên nhân cách Việt Nam.

3. Chúng ta cũng thống nhất rằng, đạo đức trong quan hệ gia đình, xã hội, đang bị xói mòn, chữ HIẾU đối với xã hội hiện nay ngày càng mờ nhạt, đã dẫn đến nhiều cảnh bi thương trong cách đối xử với ông bà, cha mẹ, và cảnh cốt nhục tương tàn vì sự tranh chấp tài sản thừa kế, sự bi thương, ô uế trong chốn học đường cũng đã diễn ra, sự sát phạt nhau ngoài xã hội, đã làm cho xã hội ngày càng trở nên nhức nhối.

Một số thành viên của Trung tâm và một số nhà khoa học chụp hình lưu niệm.

4. Kiến nghị:

Trong tình cảnh hiện nay chữ HIẾU hay HIẾU ĐẠO phải được toàn xã hội hết sức tôn trọng và đề cao. Để làm được việc này, cần:

a) Đối với Phật giáo, Đề nghị GHPGVN có Quy định chung và thống nhất cho ngày Lễ Vu Lan - Báo Hiếu cả về chương trình nội dung, và hình thức sao cho mang đậm nét nhân văn sâu sắc, để cho tinh thần và ý nghĩa của ngày lễ trong sáng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng và toàn xã hội, tạo cho người người, nhà nhà luôn luôn nghĩ về sự Tri ân và Báo ân trong mùa lễ Vu Lan hàng năm, qua đó mà luôn ý thức giữ gìn Hiếu Đạo trong mỗi con người, tránh đi những nghi thức rườm rà, lễ vật lỉnh kỉnh không phù hợp với đời sống vật chất của đông đảo nhân dân và toàn xã hội.

b) Cần có sự quan tâm của các cấp Đảng và Chính quyền xem xét ý nghĩa và giá trị của Lễ Vu Lan - Báo Hiếu của đạo Phật, qua đó có thái độ đúng đắn, để những cơ quan liên quan vào cuộc, có kế hoạch hoạt động liên ngành tổ chức các cuộc nghiên cứu trao đổi, hội thảo, tọa đàm khoa học; Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng làm cho mọi người hiểu đúng giá trị và ý nghĩa của nó mà tiếp nhận một cách đúng đắn, hướng vào khắc phục những vấn nạn đang đặt ra trong đời sống xã hội Việt Nam hôm nay, từ đó nhân rộng và đưa nghi lễ này thành lễ hội mang tính cộng đồng với một tên gọi nào đó cho phù hợp với toàn xã hội, như “Ngày Báo Hiếu của những người con hiếu hạnh”, “Ngày của Mẹ”, “Ngày Tri ân và Báo Ân”, hoặc “Ngày Hội của Tình thương”… Ngày Lễ này nên đưa vào lịch hàng năm, để các công sở được nghỉ, cho con cháu có điều kiện về thăm nom bố mẹ, ông bà, cho tình thân trong gia đình thêm gắn bó; Cho Hiếu Đạo Việt Nam được sáng rõ; Cần chính thức đưa môn giáo dục "Đạo Hiếu" vào chương trình dạy học ở các cấp học phổ thông.

c) Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu để đề nghị nhà nước công nhận Lễ Vu Lan là "Lễ Hội của cả Dân tộc".

d) Trung tâm BTDSVHTG cần xây dựng chương trình hành động cụ thể liên tục để góp phần đưa lễ hội này đi vào đời sống xã hội, góp phần làm cho Luật Hội người cao tuổi có hiệu lực thực tiễn.

e) Trung tâm là hạt nhân hoàn chỉnh hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ Vu Lan vào "Danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia" và cùng Phật giáo có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của Lễ hội Vu Lan trong đời sống văn hóa xã hội.

h) Đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc, đồng hành cùng với Trung tâm để phổ biến thường xuyên và rộng rãi trong toàn xã hội về giá trị của Lễ hội Vu Lan, góp phần xây dựng nền Văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Các đại biểu và các Nhà khoa học chụp hình lưu niệm tại chùa Tảo Sách.

Trên đây là một số nội dung chúng ta đã trao đổi thống nhất, xong đây mới chỉ là bước khởi đầu, những bước tiếp theo cần được sự cộng tác nhiều hơn nữa của Quý vị.

Thưa Quý vị, để buổi tọa đàm khoa học hôm nay thành tựu viên mãn, Ban tổ chức chúng tôi xin trân trọng cảm ơn, tri ân tới Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các đại biểu đại diện đạo Cao Đài phía Bắc và đại diện đạo Baha'i khu vực phía Bắc đã tới dự, xin cảm ơn Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, các nhà tài trợ và đặc biệt là Tổ đình Tảo Sách đã phối kết hợp, hỗ trợ nhiệt tâm cho cuộc tọa đàm này. Xin chân thành cảm ơn các báo đài đến dự và đưa tin.

Hà Nội, tháng 7 năm 2014.

Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo, Nguyên vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác