TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Từ tư tưởng của lễ Vu Lan đến tư tưởng của Lê Thánh Tông trong thập giới cô hồn quốc ngữ văn và Nguyễn Du trong văn tế thập loại chúng sinh

Ngày: 15:54:40 03/10/2015

Mùa Vu Lan không chỉ là để báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên, mà còn là khi chúng ta cùng nhau suy ngẫm về việc tu dưỡng những phẩm chất cao đẹp cho con người, cùng nhau suy nghĩ về việc tạo dựng một tình thương yêu với tất cả mọi người, hay nói như Phật hoàng Trần Nhân Tông, là “hòa giải yêu thương”, để cùng nhau vượt qua bể khổ đến với bỉ ngạn hạnh phúc và an lành.

1. Tư tưởng của lễ Vu Lan

Như chúng ta đều biết, Vu Lan (盂蘭; sa. ullambana) là từ viết tắt của Vu-lan-bồn (盂蘭盆), cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), là cách phiên âm Phạn - Hán từ danh từ ullambana. Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là "treo (ngược) lên", nên các nhà sư Trung Quốc dùng từ đảo huyền, "treo ngược lên" cho từ Vu Lan, hoặc dùng từ giải đảo huyền là dịch ý theo mục đích của Kinh Vu Lan Bồn. Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ Tát Mục Kiền Liên báo hiếu cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ xa xưa, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên. Theo kinh Vu Lan thì Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thuật. Mẹ ông là bà Thanh Đề qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Ông thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ. Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn pháp).

Từ đó, lễ Vu Lan ra đời, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vào ngày này, mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sinh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng. Ngày lễ này thường được tổ chức để tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Tại Việt Nam, việc cúng rằm tháng Bảy thường tổ chức ở chùa trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi mặt trời đã lặn. Vào ngày này, các gia đình thường cúng hai mâm, mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh ở trước nhà, thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều. Trên mâm cúng tổ tiên thường bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật dụng hàng ngày từ quần áo, giày dép đến các phương tiện đi lại, từ các vật dụng trang sức đến nhà cửa, xe cộ... Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật có quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.

Tư tưởng của lễ Vu Lan tựu trung mang hai nội dung, báo hiếu công ơn cha mẹ, tổ tiên sinh thành và giải thoát, cứu khổ cho những cô hồn không nơi nương tựa. Tư tưởng của lễ Vu Lan và các hoạt động văn hóa Vu Lan từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các nhà văn, nhà thơ, trở thành một đề tài để họ gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình. Trong những tác phẩm văn học viết về lễ Vu Lan, thì hai tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn tương truyền của Lê Thánh Tông ở thế kỷ XV và Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du ở cuối thế kỷ XVIII là tiêu biểu nhất.

2. Tư tưởng của Lê Thánh Tông trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn

Tác phẩm này được viết bằng chữ Nôm, tương truyền là của Lê Thánh Tông (1442 - 1497), một vị vua sáng ở thế kỷ XV, nhân ngày xá tội vong nhân mùa Vu Lan. Tuy nhiên cho đến nay, đây vẫn là một tác phẩm còn nhiều tồn nghi về tác giả và thời điểm sáng tác. Theo Nguyễn Lang: Có người cho rằng tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn là của Lê Thánh Tông, được chép trong bộ Thiên Nam dư hạ tập, là do Lương Thế Vinh sáng tác. Vũ Phương Đề cho rằng Lương Thế Vinh “từng sáng tác Phật kinh thập giới”. Nhưng xét thấy tác phẩm này khó có thể là sáng tác của Lương Thế Vinh. Trần Văn Giáp cho rằng Thập giới cô hồn quốc ngữ văn không phải của Lê Thánh Tông: “Theo lời của Vũ Phương Đề…, Lương Thế Vinh là một vị trong tao đàn của Lê thánh Tông, chỉ vì làm bài Phật kinh thập giới mà bị các nhà nho là bạn đồng nghiệp chê cười mãi, đến khi đã lên thiên cung, đang giảng dạy học trò mà vẫn còn áy náy mãi. Huống chi là Lê Thánh Tông tự gọi là Tao đàn nguyên súy, khi nào lại có thể cho phép đưa một bài văn Nôm vào trong bộ sách lớn của triều đình. Sách này lại là sách chỉ ghi chép lại toàn điển lệ, cáo sắc…Vậy đối với bài Thập giới cô hồn quốc ngữ văn chưa nghiên cứu được sâu rộng, tôi chưa dám khẳng định là của ai, và làm vào thời nào. Chỉ biết nó không ở đúng chỗ của nó. Nó là một bài văn ở đâu đó, người ta đưa giả mạo vào sách Thiên Nam dư hạ tập để lừa dối độc giả”1.

Còn Nguyễn Lang lại cho rằng có thể đây là tác phẩm của Lê Thánh Tông. Ông viết: “Chưa có lý do gì để ta nói rằng bài này không phải là của Lê Thánh Tông. Bài văn tuy lấy cảm hứng ở đoạn văn thỉnh thập loại cô hồn trong Du già khoa nghi, nhưng không phải là bài văn do một người có cảm tình nhiều với đạo Phật như Lương Thế Vinh làm. Đó cũng không phải là một bài văn có thể thực sự dùng vào việc cúng cô hồn hay răn dạy cô hồn. Nó có ảnh hưởng cảnh cáo người sống hơn là răn dạy người chết. Đó là tác phẩm của một thi sĩ Nho gia mượn đề tài Phật giáo… Trong khi chưa có dữ liệu nào khác, ta hãy tạm cho tác phẩm này là của Lê Thánh Tông, bởi khí vị văn chương phảng phất có hương vị một tác phẩm của tao đàn nguyên súy…”2. Chúng tôi cho rằng ý kiến của Nguyễn Lang có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh hiện nay.

Xét về thể cách và nội dung, nên tạm xếp bài văn này vào thể văn tế để tiện khảo sát, vì về bản chất nghệ thuật, đây đúng là một bài văn tế cô hồn, dù mục đích là răn người sống. Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (Các bản dịch là Mười điều răn cô hồn viết bằng quốc ngữ, nhưng có lẽ nên hiểu là Những điều răn mười loại cô hồn viết bằng quốc ngữ), viết bằng chữ Nôm theo thể biền ngẫu, được chép trong bộ Thiên Nam dư hạ tập và ghi do Lê Thánh Tông soạn thảo. Tác phẩm có 11 đoạn, trừ đoạn mở đầu, 10 đoạn sau, mỗi đoạn là một điều răn một loại cô hồn cụ thể: thiền tăng, đạo sĩ, quan liêu, nho sĩ, thiên văn - địa lí, lương y, tướng quân, hoa nương, thương cổ, đãng tử. Kết thúc mỗi đoạn là một bài kệ bằng thơ. Tác phẩm được viết với mục đích giáo huấn, mượn lời răn người chết (cô hồn) để dạy người sống. Qua việc răn giới, tác phẩm đã phản ánh sinh hoạt của 10 hạng người, vị trí xã hội của họ và thái độ đánh giá đối với họ, quan điểm khen chê chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn của đạo đức phong kiến, lợi ích của chế độ phong kiến; được đề cao nhất là quan liêu, nho sĩ, tướng quân; bị miệt thị là thương cổ, hoa nương, đãng tử. Bút pháp vững vàng, kết cấu chặt chẽ, đối ngẫu thoả đáng, từ ngữ chính xác, tinh tế, hình tượng sắc sảo, sinh động; điển cố nhiều nhưng cách dùng rất sáng tạo. Giọng văn hoạt bát, hài hước. Các chân dung văn học được khắc hoạ hiện thực, cụ thể. Có những lí do cho phép nhiều người dự đoán đây là tác phẩm là của Lê Thánh Tông hoặc được viết thời Lê Thánh Tông. Mở đầu, bài văn viết:

Cổ tới nhẫn kim,
Sinh thì có hóa.
Ấy vậy:
Hồn là thần, phách là quỷ;
No nên bụt, đói nên ma.
Khó lẫn sang, mặt cả khác nhau,
Đói cùng rách, lòng thì cũng vậy.


Huống chi cô hồn bay
Thác sinh trần thế
Chịu khí âm dương,
Có quân tử, có tiểu nhân, chẳng cùng một đấng;
Trọng phong quang, trọng nghề nghiệp, tới phút mười loài.
Ai ai đổi lấy lòng phàm,
Khăn khắn cùng thì nghe giới.

Và sau đó trình bày 10 điều răn cho 10 loài (giới) tiêu biểu trong xã hội. Sau này Nguyên Du có viết Văn tế thập loại chúng sinh, tuy 10 loại mà Nguyễn Du trình bày không giống với 10 loại (giới) trong tác phẩm này. Từ đó có thể hiểu, 10 loài hay 10 giới chỉ là một phiếm chỉ chung cho mọi loài, mọi giới trong xã hội, chứ không nhất thiết chỉ là 10 loại hay 10 giới cụ thể đó. Sau đây là những nội dung chính được xem là răn giới cho mỗi loại cô hồn:

1. Giới Thiền tăng
Sống bởi chưng chưa sạch mọi lòng nhẫn nhục,
Thách cho phải chịu khó diệt đoạn tân toan.

2. Giới đạo sĩ
Tổn công ngày tháng luyện đan sa,
Phương sĩ tìm chơi để lễ nhà.
Triều đẩu hùng hùng chân bước nguyệt,
Bộ hư văng vẳng tiếng tan hoa.
Ngọc thanh mê tỉnh chưa đi đến,
Giới lộ hoàn hồn xảy lại ca.
Đội lốt Thiên tôn đi độ thế,
Độ người ai kẻ độ mình ta?

3. Giới quan liêu
Sống bởi chưng béo nghĩ gầy người
Thác cho phải đói ăn khát uống.

4. Giới nho sĩ
Sống bởi chưng bàn bạc sự người
Thác cho phải phiêu lưu đòi chốn.

5. Giới thiên văn địa lý
Sống bởi chưng tiết lộ thiên cơ,
Thác cho phải trầm luân địa ngục.

6. Giới lương y
Sống bởi chưng gia giảm lỗi phương,
Thác cho phải cơ hàn đòi chốn.

1. Giới tướng quân
Sống bởi chưng cậy sức anh hùng,
Thác cho phải nên thân cơ khát.

8. Giới hoa nương
Sống bởi chưng dỗ bạc, dỗ tiền,
Thác cho phải xin ăn, xin uống.

9. Giới thương cổ
Sống bởi chưng ăn lãi, ăn lời,
Thác cho phải xin ăn, xin uống.

10. Giới đãng tử
Sống bởi chưng ở nết ỡm ờ,
Thác cho phải nên thân đói khát…

Những lời răn giới các cô hồn trong tác phẩm này thể hiện sự bao dung và tự tin của tác giả. Nó không phải những lời nói cho người chết, mà thực là dùng để nói với người sống, để người sống sống sao cho đúng các chuẩn mực mà xã hội yêu cầu. Bài văn nhân lễ Vu Lan, nhìn người chết mà răn kẻ sống, mang cảm hứng giáo huấn, nhằm giáo dục cách sống tốt cho người đời.

3. Tư tưởng của Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh

Văn tế thập loại chúng sinh (Văn tế mười loại chúng sinh) còn được gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn là một trong số những tác phẩm xuất sắc của thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820). Tác phẩm này gợi cho ta nhớ tới tác phẩm về 10 loại cô hồn kể trên. Văn tế thập loại chúng sinh, hiện chưa rõ thời điểm sáng tác. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của Trần Thanh Mại trên Đông Dương tuần báo năm 1939, thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Tuy nhiên, Hoàng Xuân Hãn lại cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết tác phẩm này trước cả Truyện Kiều, tức khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802 – 1812).

Sách Từ điển văn học (bộ mới) cho biết người đầu tiên phát hiện bài văn tại chùa Diệc ở thành phố Vinh là Lê Thước. Nhưng cổ nhất là bản khắc ván năm 1895 của nhà sư Chính Đại (nên được gọi là bản Chính Đại), được tàng trữ ở chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Từ hai bản này, Hoàng Xuân Hãn khảo chứng, hiệu đính kỹ lưỡng và đã đưa ra một văn bản khác có độ tin cậy cao hơn3...

Văn tế thập loại chúng sinh là một bài văn khấn tế, đề cập đến xã hội hồn ma một cách thảm thương nhất. Đó là hình ảnh lộn trái của xã hội trần thế, song khác biệt cơ bản ở chỗ không có đối lập giàu nghèo, sang hèn. Chúng sinh ai cũng như ai cùng chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn nên nhà thơ xót thương tất cả... Tác phẩm được làm theo thể song thất lục bát, gồm 184 câu thơ chữ Nôm. Theo Từ điển Văn học (bộ mới), có thể chia bài văn thành bốn phần4, còn Phạm Thế Ngũ chia bài văn làm 3 phần gồm phần 1 (20 câu đầu), phần 2 (137 câu) phần 3 (27 câu cuối). Phần một (20 câu): tả cảnh một chiều thu tháng Bảy mưa dầm buồn bã, khiến nhà thơ chạnh lòng thương đến các chúng sinh đang lạnh lẽo, bơ vơ nơi cõi âm mà lập đàn cầu siêu... Phần hai (116 câu): nêu rõ tên và nguyên nhân thiệt mạng của mười loại cô hồn. Phần ba (20 câu): miêu tả cảnh sống thê lương thảm thiết của các cô hồn. Phần cuối (28 câu): lời thỉnh cầu phép Phật nhiệm mầu giúp cho họ được giải thoát. Cuối cùng là lời mời các cô hồn tới nhận phần lễ cúng để lên đàng thăng thiên...

Tuy là một bài văn khấn tế, hình thức mang tính chất tôn giáo, nhưng tác phẩm không sử dụng hình thức văn tế biền ngẫu thường thấy, cũng không viết bằng văn xuôi như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của vua Lê Thánh Tông, mà chọn thể loại song thất lục bát phổ biến đương thời, khiến vần điệu linh hoạt, truyền cảm, có tác dụng khơi dậy lòng trắc ẩn từ phía người đọc, người nghe. Nếu bài văn của vua Lê nặng nề giáo huấn răn đe thì tác phẩm của Nguyễn Du tràn ngập tình yêu thương, thông cảm... Ngoài một vài phương ngữ và điển tích nhà Phật ít quen thuộc không đáng kể, nói chung bài văn dễ hiểu, dễ cảm thụ bởi giọng thơ cuộn chảy theo những biến tấu bất ngờ của nhịp câu song thất. Tác phẩm còn được đánh giá là tác phẩm song thất lục bát duy nhất sử dụng dày đặc và rất độc đáo thủ pháp tiểu đối5...

Phạm Thế Ngũ cho rằng, bài này cũng là dịp cho ta thấy Nguyễn Du có một khả năng tưởng tượng phi thường hòa với một tình đồng cảm thật là bao la. Bao trường hợp chết chóc, bao nhiêu cảnh ngộ thương vong, tác giả phác họa ra, khêu gợi lên với những tiết lâm li thảm thiết... Cảnh loạn lạc… nhất là bệnh dịch, phu phen, mất mùa, đói khổ, người chết như ra là một ám ảnh tai ách thường xuyên ở đời Lê mạt... Chính những thảm cảnh ấy đã là nguồn văn nguồn ý nung nấu thành Chiêu hồn ca... Nó khiến ta có thể xác định một lần nữa: Nguyễn Du là thi sĩ muôn đời của Thống khổ và Tình thương6.

Trong nền văn học Việt Nam từ trước, có một tác phẩm rất độc đáo về đề tài, hầu như là duy nhất, nói đến những người chết, nói đến cái chết dưới trăm tình thế, chưa có tác phẩm nào mà tập trung nói đến những hồn người chết như vậy, và thực chất lại là sự ôm trùm rộng rãi những người sống, đó là Văn Chiêu hồn...

Xuân Diệu đánh giá: “Ở thời đại ấy... Nguyễn Du không biết tại sao mà xã hội khổ đến thế. Bây giờ ta không trách Nguyễn Du về sự mù mờ ấy, (bởi) Nguyễn Du kêu gào ở trong bóng tối, cũng là phát hiện bóng tối cho ta:...đó là một bản tố cáo gắt gao về đói rét, tật bệnh, chiến tranh phong kiến giành giật đất đai, mưu ma chước quỉ của bọn quan lớn, về thân phận người đàn bà, về số phận người bình dân... do sự phong phú của đề tài, mà cả xã hội người diễu qua trước mắt ta...Còn trái tim lớn của Nguyễn Du một tấm lòng chứa được bấy nhiêu tình thương nhân loại! Tình thương ấy có xô bồ, lẫn lộn như đối với vài kẻ thuộc giai cấp bên trên; nhưng phần lớn, căn bản là dành cho những người bị cực khổ, oan ức, đói rét, đau đớn từ những người bị bọn vua quan bắt lính, đến người mắc oan ở tù rạc thân, đến người hành khất “cũng một kiếp người” từ người đẻ non đến em bé chết yểu, từ người đứt dây rơi xuống giếng chết đến người bị cọp ăn”7...

Trong Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Du có dịp gợi lên những hình ảnh đau xót của thời đại ông. Có những người ở tầng lớp trên, nhưng đa số là những người ở tầng lớp dưới. Trong tầng lớp trên thì lòng thương của ông dành cho những người “chân yếu tay mềm”, do hoàn cảnh thời bấy giờ mà đang sống trong cảnh” màn lan trướng huệ” bỗng chốc bơ vơ như chiếc lá giữa dòng. Còn tầng lớp dưới thì có thể nói là đủ mặt, từ người học trò ốm đau dọc đường không ai thuốc thang nuôi nấng, đến chết phải “liệm sấp chôn nghiêng”… đến những em “tiểu nhi tấm bé” vừa ra đời không được chăm sóc, nên phải chết yểu v.v... Bài này đọc lên không biết cô hồn nghe có được an ủi phần nào chăng, nhưng chúng ta nghe thì càng thấy căm thù cái xã hội mà trong đó đa số là những người thất cơ lỡ vận8...

Khác với Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, tác phẩm viết về cô hồn người chết để răn người sống, thì Văn chiêu hồn của nguyễn Du thực là dùng để khóc người chết. Nhưng không phải khóc cho một cá nhân cụ thể nào, mà là khóc chung cho mọi kiếp người, cho mọi “loài”:

Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.

Nói là văn tế cho “thập loại chúng sinh”, nhưng thực ra bài văn này khóc cho “mọi loài” của kiếp người, từ những người cao sang quyền quý, đến những người thấp bé khổ đau. Nói là tế “mười loài”, nhưng trong bài văn, tác giả có nêu trực tiếp tới 14 “loài”, thì đúng là “thập loại” chính là “muôn loại” chúng sinh, đó là: 1) kẻ tính đường kiêu hãnh, 2) kẻ màn lan trướng huệ, 3) kẻ mũ cao áo rộng, 4) kẻ bài binh bố trận, 5) kẻ tính đường trí phú, 6) kẻ rắp cầu chữ quý, 7) kẻ vào sông ra bể, 8) kẻ đi về buôn bán, 9) kẻ mắc vào khóa lính, 10) kẻ buôn nguyệt bán hoa, 11) kẻ hành khất, 12) kẻ tù oan, 13) kẻ tiểu nhi tấm bé, 14) kẻ gặp tai nạn (chìm sông lạc suối, sảy cối sa cây, leo giếng đứt dây…)

“Trong trường dạ tối tăm trời đất” ấy, Nguyễn Du đã khóc thương cho biết bao số phận tài hoa, tài tình bị chà đạp, ông còn khóc thương cho mọi kiếp người chịu oan khuất, cũng là để bộc lộ cái tâm hồn, cái nỗi đau thương của chính ông. Ông khóc thương cho mọi loài, cũng chính là khóc thương cho số phận của ông không tìm thấy niềm hạnh phúc giữa cuộc đời ấy.

Trong toàn bộ các sáng tác của Nguyễn Du mang cảm hứng Phật giáo, thì đây là tác phẩm trình bày trực tiếp nhất tư tưởng Phật giáo của ông. Nó được Nguyễn Du làm ra không phải để khóc một con người cụ thể, một thân phận cụ thể, mà để khóc tất cả các “cô hồn” nhân ngày lễ “xá tội vong nhân” rằm tháng Bảy hàng năm của nhà Phật, cũng tức là khóc than, là cảm thông, là chia sẻ khổ đau với tất cả mọi kiếp người trong bể khổ này. Trong bài văn này, Nguyễn Du đã thể hiện một sự thương cảm vô bờ bến đối với nỗi thống khổ của mọi kiếp người trong cuộc đời. Có thể khi sinh thời, con người ta mỗi người một cảnh, có số phận, có địa vị khác nhau, có kẻ sang người hèn, kẻ cao người thấp, có kẻ gây oán chuốc thù, có người chịu oan khiên, đày đoạ… từ đứa trẻ “lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha” cho đến “những kẻ mũ cao áo rộng”. Nhưng tất cả họ dưới con mắt Nguyễn Du đều có thể trở thành kẻ oan khổ, nên họ đều cần được yêu thương, cần được thông cảm, chia sẻ.

Có người cho rằng tác phẩm này có tính hạn chế, vì nó đã thể hiện một một thái độ “mơ hồ giai cấp”, một “tình yêu vô bờ bến”, một tình thương không giới hạn. Điều đó không đúng. Nguyễn Du không nói tới người sống. Nguyễn Du chỉ nói tới người đã chết. Và ông chỉ nói tới những “oan hồn”, cần được “xá tội vong nhân”. Dù khi sinh thời, người đó như thế nào, nhưng nếu bị chết oan khuất, thì đều đáng thương, đều được cảm thông. Đây là một tư tưởng lớn, tư tưởng nhân văn cao cả đó chỉ có thể có được trên nền tảng của tư tưởng Phật giáo. Chỉ có thể là tư tưởng bác ái của nhà Phật mới đủ sức bao quát và cửu khổ cho mọi loài, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, già trẻ, lớn bé như thế. Các nay gần hai thế kỷ, Nguyễn Du đã lập một “Đại trai đàn chẩn tế”, một “Đại trai đàn giải oan” bằng nghệ thuật cho tất cả cô hồn của một đất nước thật nhiều chiến tranh, tao loạn và oan hồn như Việt Nam9. Tất cả chúng sinh đều trở nên nhỏ bé và đều cần được cứu giúp như nhau. Lời thơ của Nguyễn Du cất lên, như mời gọi, như động viên, như nhắn nhủ mọi kiếp khổ đau:

Nhờ đức Phật siêu sinh tịnh độ,

Bóng hào quang cứu khổ độ u.

Rắp hòa tứ hải quần chu,

Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.

 …

Nhờ phép Phật oai linh dũng mãnh,

Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao.

 …

Mười loài là những loài nào?

Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.

Kiếp thù sinh như hình bào ảnh,

Có chữ rằng “vạn cảnh giai không”,

Ai ơi lấy Phật làm lòng,

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi…

Từ tư tưởng báo hiếu, cứu khổ của lễ Vu Lan trong đời sống Phật giáo đã sản sinh ra triết lý nhân sinh có tính giáo dục nhân phẩm con người để kiến tạo đất nước trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông, và triết lý nhân sinh có tính nhân văn cao cả trong Văn tế thập loại chúng sinh của nguyễn Du. Những triết lý nhân sinh ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta hôm nay. Mùa Vu Lan không chỉ là để báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên, mà còn là khi chúng ta cùng nhau suy ngẫm về việc tu dưỡng những phẩm chất cao đẹp cho con người, cùng nhau suy nghĩ về việc tạo dựng một tình thương yêu với tất cả mọi người, hay nói như Phật hoàng Trần Nhân Tông, là “hòa giải yêu thương”, để cùng nhau vượt qua bể khổ đến với bỉ ngạn hạnh phúc và an lành./.

PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ảnh: Tác giả cung cấp.

 

1 Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, T. II, Nxb Văn học tái bản, H. 1992, tr. 60.

2 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, T. II, tr. 61.

3 Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu (Chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, H. 2000.

4 Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu (Chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), tr. 1972-1973.

5 Từ điển Văn học (bộ mới), tr. 1972-1973

6 Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học giản ước tân biên, Quốc học tùng thư (Tập 2), S, không ghi năm xuất bản, tr. 384-385.

7 Xuân Diệu, Đọc Văn Chiêu hồn trong Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb Văn học, 1981, tr. 206-207.

8 Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thước và Trương Chính chủ biên, Nxb Văn học, 1978, tr. 24, 25 và 27.

9 Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cho biết người chết trôi sông vô chủ rất sẵn (Sẵn thây vô chủ bên sông…). Hiện nay, qua sự kiện tìm kiếm xác nạn nhân vụ “thẩm mĩ Cát Tường” bị ném xuống sông Hồng chấn động dư luận nhiều tháng qua, người ta cũng đã tìm thấy hàng chục “thây vô chủ bên sông”...

Các bài viết khác