TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Phật không cần chùa to tháp lớn

Ngày: 13:41:41 22/02/2019

Ông Trần Khánh Dư cho rằng, bất kỳ hình thức kinh doanh nào lấy hình ảnh tôn giáo làm bình phong để sinh lợi đều vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Trong đó, Phật giáo cũng vậy. Phật giáo và triết lý nhà Phật không phải xây chùa to, tháp lớn mà là trên nền tảng là tất cả vì cuộc sống nhân sinh, tình yêu thương và lòng nhân ái. Vì thế, cần phải gạt bỏ những tư tưởng buôn thần, bán thánh, kinh doanh hình ảnh Phật giáo mới mong có cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

Xây to để làm gì?

 

Trong khuôn khổ Dự án Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, doanh nghiệp Xuân Trường (Ninh Bình) có đề xuất xây dựng hạng mục Tháp Phật giáo cao 150m. Khi hoàn thành, đây sẽ là tháp Phật cao nhất thế giới. Ông có ý kiến gì không?

 

Tôi nhớ có vị sư nổi tiếng ở Tây Tạng - Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói: Tôn giáo của tôi rất đơn giản, không cần chùa to, Phật lớn mà là tấm lòng nhân ái!. Lòng nhân ái của đạo Phật và nhiều tôn giáo khác không hình thành từ của cải vật chất, lại càng khó có được từ những vẻ bề ngoài to lớn. Nếu xây to để chứng minh lòng thành, công đức thì có lẽ Việt Nam không thể so được với các nước lớn, có Phật giáo phát triển.

 

Hơn thế nữa, triết lý đạo Phật dù thiên kinh vạn quyển cũng luôn hướng về giá trị nhân sinh. Kinh Phật cũng từng dạy rằng, tâm bình thì thiên hạ bình. Tức là, nếu mọi người có lòng vị tha, khoan hòa, nhân ái thì thiên hạ sẽ thái bình. Vì thế, quan trọng nhất là xây dựng xã hội trên nền tảng một xã hội dân chủ, bình đẳng, công bằng và phát triển, làm cho mọi người có cuộc sống yên bình đó cũng chính là chân giá trị đạo đức của Tôn giáo. Đặc biệt là Phật giáo.

 

Theo ông, khi đất nước còn nghèo chúng ta không nên phô trương bằng những công trình to, dự án lớn mà là hiệu quả kinh tế - xã hội đem lại không cao, đặc biệt là những công trình liên quan tới tôn giáo.

 

Nếu nhìn ra xã hội mới thấy cuộc sống của người dân còn rất cực khổ. Hình ảnh trẻ em vùng cao mùa đông không đủ mặc ấm để đến trường, không có trường lớp tử tế để học, ngay tại Hà Nội, một số bệnh viện lớn bệnh nhân còn phải chen chúc vì cơ sở vật chất thiếu thốn… là điều không mấy lạ lẫm! Thay vì đầu tư cho những công trình to lớn mà không mấy thiết thực, thì nên quan tâm vào việc đầu tư theo tinh thần giáo lý nhà Phật thì hữu ích hơn. Nhưng không phải ai cũng dễ nhận ra điều này!

 

Vậy là ông không đồng tình?

 

Đúng vậy! Cần xác định xem mục đích của việc xây dựng này là gì? Đạo Phật không cổ súy cho việc này. Chùa to, tháp lớn không minh chứng cho tâm thành nếu lòng không thiện, tâm không sáng.

 

Nhưng rõ ràng công trình sẽ là một điểm nhận tạo đà giúp cho tinh thần du lịch của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và khu vực nói chung phát triển hơn, thưa ông?

 

Tôi đang băn khoăn liệu công trình thu hút được bao nhiêu người, giá trị vật chất chúng mang lại là bao nhiêu? Và sẽ tồn tại được trong bao lâu? Chắc chắn không được dài.

 

Ở Việt Nam không thiếu những công trình chùa tuy quy mô vừa phải nhưng vẫn rất đông Phật tử và du khách thập phương kể cả du khách nước ngoài tới chiêm bái lễ Phật. Họ đến không vì sự to lớn của vật thể mà họ tới chiêm bái, lễ Phật với tín ngưỡng tâm linh. Giá trị nhân văn, thiết lý nhân sinh nhà Phật được thể hiện qua di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng trong mỗi chùa khác nhau. Nếu chỉ là công trình to lớn đồ sộ để thu hút khách du lịch ở trong và ngoài nước thì đó là sự không tưởng. Có thể nói không ngoa rằng đó là một khối vật chất vô hồn, trống rỗng. Nếu có ai đó vì sự hiếu kỳ thì người ta cũng chỉ đến một lần!

 

Cũng giống như Bái Đính, khi đề xuất gặp nhiều trở ngại nhưng đến khi công trình được đưa vào sử dụng đem lại nhiều lợi ích bất ngờ. Phải chăng chúng ta cũng nên thử để có thêm "di sản" cho đời sau?

 

Tin rằng nhiều người khi đến với Bái Đính không muốn quay lại lần hai. Vì thế, giá trị vật chất mà ngôi chùa "lớn nhất Đông Nam Á" này mang lại sẽ không được bao lâu. Tháp Phật lớn nhất thế giới cũng vậy. Chùa lớn thì phải nhiều sư, những vị sư đủ thiện căn, uyên bác trang nghiêm về giới hạnh. Chùa là nơi cưu mang cứu độ cho những người khốn khó sa cơ lỡ vận thì nơi đó phải công nhận là "Đại danh lam", "Đại Tòng lâm". Còn như hiện nay nếu không đúng như thế chỉ là ngôi "chùa to".

 

Thương mại hóa công trình tôn giáo đạo Phật thì những ai trực tiếp làm và tiếp tay tham gia cũng sẽ bị luật nhân quả chi phối. Vật chất không mang lại giá trị đích thực cho mỗi người!

 

Vi phạm đạo đức tôn giáo

 

Như vậy, theo ông việc mượn hình ảnh tôn giáo trong đó cụ thể là đạo Phật để kinh doanh là điều không nên?

 

Ai chắc chắn rằng việc xây dựng Tháp Phật xong giúp cho kinh tế Thái Nguyên phát triển hay chỉ là việc lợi ích của một nhóm người? Theo quan điểm của tôi, bất kỳ hình ảnh nào mượn danh tôn giáo, ở đây là Phật giáo để kinh doanh là vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Bất kỳ hình ảnh tôn giáo nào cũng rất tôn nghiêm và phải được tôn trọng.

 

Ông có nhắc tới việc cá nhân có trách nhiệm với xã hội. Nhưng hiện nay, khi mọi giá trị đều thay đổi thì triết lý nhà Phật có đủ sức răn dạy và cứu giúp con người?

 

Cái đó thì còn phải hỏi xã hội, nếu xã hội đích thực coi trọng Giáo lý Nhà Phật thì tôi tin rằng Phật pháp đủ sức góp phần quan trọng trong việc làm cho xã hội tốt đẹp lên. Ở Việt Nam ta lịch sử cũng đã chứng minh rõ điều này. Chỉ cần lấy Ngũ giới của đạo Phật mà soi rọi, làm phương châm hành xử của mọi người thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Thương mại hóa ngay cả với Phật giáo sẽ làm tha hóa tăng lữ. Tăng lữ không tham gia vào hệ thống chính quyền các đoàn thể quần chúng thì giới luật mới được trang nghiêm, thanh tịnh, mới có tác dụng giáo hóa quần chúng Phật tử.

 

Theo ông, tại sao gần đây người Việt lại thích cái to, ưa cái lớn. Thậm chí, tư tưởng này còn bị ăn sâu vào trong tôn giáo?

 

Ở những đất nước văn minh chắc chắn họ không bao giờ ganh đua những thứ không đem lại giá trị thực tiễn. Mọi việc làm đều xuất phát từ mục đích của xã hội. Bên cạnh đó, cần phải lắng nghe ý kiến của cộng đồng thì những công trình đó mới thực sự có giá trị khi tồn tại.

 

Như vậy, đâu sẽ là hướng đi đúng đắn?

 

Con người là cái gốc của mọi vấn đề. Triết lý đạo Phật luôn hướng đến những giá trị thực sự mang đến cho con người và vì con người. Tôi nghĩ rằng việc nên hay không xây tháp Phật cao nhất đã có câu trả lời. Điều quan trọng, cần phải nghe tiếng nói của dân và theo tinh thần Phật giáo không chấp nê hình tướng. Phải luôn nghĩ đến lợi lạc quần sinh, thì xã hội mới hài hòa, mới được an lạc.

 

Chùa Tháp nằm trong tổng thể dự án Hồ Núi Cốc. Có chiều cao 150m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000m2. Chùa Tháp có thể chứa được từ 5.000-10.000 người trong một thời điểm. Đây sẽ là một trong những tháp Phật giáo lớn nhất thế giới.

Sau khi hoàn thành xong tượng Phật, 12 nghìn bức tranh đá tại Indonesia và Ấn Độ sẽ được doanh nghiệp Xuân Trường đưa về tháp lắp đặt. Riêng nền móng của tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm, theo kế hoạch doanh nghiệp sẽ đặt móng trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãn cảnh, bái Phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026).

 

Cao Nguyên, (Bài đã đăng trên báo Khoa học & Đời sống, số 75, năm thứ 57).

Các bài viết khác