TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Đôi nét về chùa Cổ Lễ

Ngày: 16:09:54 24/03/2017

Tại thế kỷ X, trước khi vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi (970) ở huyện Trực Ninh đã có chùa và các tăng ni trụ trì, đó là chùa Cổ Lễ bây giờ. Chùa Cổ Lễ hiệu "Thần Quang Tự" là một công trình văn hóa kiến trúc Phật giáo, nằm cách thành phố Nam Định 15 km về phía Đông Nam. Cổ Lễ tự được Bộ Văn hóa xếp hạng "Di tích lịch sử", là trụ sở Phật giáo huyện Trực Ninh và cơ sở 2 Trường Hạ Phật giáo tỉnh Nam Định. Hằng năm, chùa có tổ chức Lễ hội truyền thống và ngày sinh Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.

Chùa được xây dựng từ thế kỷ 12 thời Lý Thần Tôn, thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không chuyên làm nghề chái lưới, năm 29 tuổi xuất gia đầu Phật. Ngài đã "Văn - Tư - Tu đốn tức Minh Tâm kiến tính quán càn khôn" và Ngài còn là nhà y sư nổi tiếng, đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tôn khỏi bệnh nan y và được Vua phong làm "Lý Triều Quốc Sư".

Chùa Cổ Lễ trước đây là một ngôi chùa kiến trúc cổ bằng gỗ. Trải qua thời gian phong hóa của nắng xói, mưa mòn và mối mọt, cho nên chùa cổ xưa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1902 Đệ Nhất Sư Tổ Phạm Quang Tuyên, tuổi cao, đức trọng về trụ trì, Ngài đã trùng tu tái thiết lại ngôi chùa này theo kiến trúc mới "Nhất Thốc Lâu Đài" với quy mô rộng lớn, thật là một nền kiến trúc văn hóa Phật giáo trứ danh.

Phía trước chùa Cổ Lễ có cây tháp "Cửu Phẩm Liên Hoa" (9 tầng hoa sen) cao 32 mét, có tòa "Phật Giáo Hội Quán" và Quan Âm đài, hai bên có Phủ Đền, cầu Núi và hai dãy hành lang chạy dài theo chùa. Năm 1920 xây Tòa Chính cung cao 29 mét thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không bằng gỗ bạch đàn (gỗ trầm hương trắng) - Một chiều cao hiếm thấy trong các chùa cổ Việt Nam. Về thiết kế xây dựng chùa do Đức Sư Tổ Quang Tuyên sáng chế, nguyên liệu nội địa: vôi, gạch, cát, mật, muối,…

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa trước chùa Cổ Lễ, tỉnh Nam Định. Ảnh: Bình Yên.

Tháp "Cửu Phẩm Liên Hoa" được cưỡi trên mình rùa đặt giữa đầm vuông, đầu rùa quay chầu vào chùa. Rùa dài 18 mét, rộng 10 mét, mai rùa được cách điệu lượn cong thành 8 múi lớn, mỗi múi dài 4,65m, bốn chân to vươn dài trụ vững xuống lòng hồ. Tháp có tiết diện hình bát giác với diện tích 42,10m2. Bốn góc hồ có đắp 4 núi hình tháp nhỏ mang dáng dấp tháp chàm. Mỗi tháp có 1 con voi áp mình vào thân núi. Hình như, người thiết kế "Kiến trúc sư" Hòa thượng Phạm Quang Tuyên muốn biểu thị: "Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái" ở tháp này?

Trong lòng tháp có cột thông tâm hình trụ tròn và cầu thang xoáy chôn ốc, đi lên tới đỉnh có bàn thờ Phật là 64 bậc (64 quẻ). Thắp hương khấn Phật rồi ta có thể phóng tầm mắt qua ô cửa thông gió nhìn ra bốn phương, tám hướng như trải rộng tầm bao quát phù hộ của Đức Phật tới muôn dân. Cũng chính vì có những lỗ thông gió trên nên tầng trên cùng đã được sử dụng làm đài quan sát của bộ đội và dân quân du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cũng chính vì có những lỗ thông gió nên trong lòng Cửu Phẩm Liên Hoa được thông thoáng, trông ống thông tâm cũng như từng tầng những bậc thang. Khi hóa kim ngân - thanh tiền xong, đi xuống đến bậc cuối cùng ra cửa tháp, ta đã thấy than tro bay xuống nổi trên mặt hồ, nơi rùa nằm đội Cửu Phẩm Liên Hoa, một sự huyền ảo nhiệm màu của thánh thần chư Phật.

Khung cảnh đẹp, không gian thoáng đãng trước nhà thờ Tổ. Ảnh: Bình Yên.

Tường trước của chùa có 6 cột lục lăng rỗng, ba mặt trước cột có trổ lỗ chữ nhật gắn kính màu mỗi khi thắp đèn sáng, bên trong hiện lên các màu xanh, đỏ, tím, vàng, huyền ảo như màu cờ nước Phật. Sáu cột lục lăng này, có lẽ người thiết kế muốn thể hiện Phật Pháp nói đến 6 trần: sắc thanh, hương vị, xúc, pháp vốn là những đối tượng của 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. 6 trần là cảnh bên ngoài, 6 căn là cảnh bên trong (nên cột rỗng) phải thêm vào 6 thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức mới sinh ra hiện tượng thân tâm. Tâm do ngoại cảnh sáu trần làm xao động, nên từ 6 căn sinh ra các nghiệp thiện, ác, tốt xấu. Phật Pháp gọi đó là tạo nghiệp. Nghiệp có phân thiện nghiệp và ác nghiệp. Người tạo nghiệp ác phải đọa trong 3 đường dữ: địa ngục, ngạ ngục, súc sinh. Còn tạo nghiệp thiện sẽ tái sinh làm người hay sinh lên cõi trời, hưởng thọ phúc báo nhân thiên. Song không luận là đọa xuống hay sinh lên đều ở trong biển khổ luôn hồi sinh tử. Muốn giải thoát cần phải nhận thấy 6 trần vốn hư huyền, không thật, vô thường… Chỉ 6 cột thôi đã là những bài học dài dài làm vậy!

Ngôi chùa cổ, nhiều cây, cảnh đẹp là nơi lý tưởng để các em học sinh trải nghiệm "Trại hè trong chùa". Tháng 6/2016. Ảnh: Bình Yên.

Trên nóc tòa chính điện có đôi rồng chầu hoa sen, dưới có ba chữ đại tự lớn là Đại Từ Phụ, nghĩa là: Người cha rất hiền lành. Hai bên nối vào giải vũ đắp hai con rồng rất lớn chầu vào Tòa Chính cung. Vào trong chùa, trước khi ngắm những vòm tròn mái cong, trên trần trang trí họa tiết màu sắc rực rỡ như những tấm thảm kiểu Ba-tư, ta thấy ngay trên thượng điện có tượng Phật Thích Ca rất lớn cao 4m, rộng 3,5m bằng gỗ sơn son thếp vàng. Đặc biệt ở chùa Cổ Lễ, việc xếp đặt tượng Pháp không nhất thiết tuân thủ cứng nhắc theo một quy định cổ điển nào mà có sự bố cục sáng tạo phù hợp với nội dung thờ.

Cấu trúc nhà Phật giáo hội quán có mái còm cao, trên nóc mái có đầu đao theo kiểu đình làng, ở bốn góc có đắp mặt hổ phù. Vào trong ta thấy ngay bức hoành phi lớn: Phật giáo hội quán nghĩa là nhà hội tụ của Phật giáo.

Câu đối:

Phập pháp chấn hưng thanh danh bất hủ

Thiên nhân hoan hỉ công đức vô tư.

Nghĩa là:

Giáo lý của nhà Phật được chấn hưng thanh danh còn mãi

Nhân dân khắp nơi đều vui sướng công đức vô tư.

Hiện nay, tại tòa Hội Quán có tượng Phật bà Quan Âm (thiên thủ thiên nhãn) còn gọi là Quan Thế Âm Bồ Tát hoặc bà Diệu Thiện, bà có đến 108 hồng danh. Ở Tây Tạng là hình tượng ông, ở Viễn Đông cũng như Việt Nam là hình tượng bà. Pho tượng được làm từ thế kỷ XVI niên Bính Tuất, đến năm Bính Thân tái tạo lại. Tượng cao 3,5m có 20 đôi tay lớn. Trong số cặp tay đó hoặc để trong lòng, chắp trước ngực, để trên đầu gối hay để trên thế nhập định và nhiều tư thế giơ cao như hòa đồng vũ điệu một cách sinh động. Đứng cạnh người là Bát bộ kim cương, tám pho tượng được tạc to bằng người thật, mỗi vị một kiểu, mỗi vị một két mặt với tư thế hướng cả về Phật bà sẵn sàng nhận lệnh. Đó là các vị: Bích động thần kim cương, Bạch thủy tinh kim cương, Hoàng tùng cầu kim cương, Phòng trừ tai kim cương, Xích thanh hỏa kim cương, Tử hiền thân kim cương, Hỏa thần lực kim cương, Thanh trừ tai kim cương. Tương truyền tám vị kim cương là do Phật Bà Quan Âm hóa phép ra hai cái túi, một ở biển Đông và một ở xứ Thanh. Sau hai cái túi nở thành hai đóa hoa, mỗi đóa hoa biến thành bốn vị tướng có đủ phép huyền diệu để đi các nơi tiễu trừ yêu quái.

Ngôi chùa cổ, nhiều cây, cảnh đẹp là nơi lý tưởng để các em học sinh trải nghiệm "Khóa tu mùa Hè". Tháng 6/2016. Ảnh: Bình Yên.

Bên tả có bàn thờ thánh hiền, thực ra người là A-Nam bồ tát (có nghĩa là hoan hỉ) người là đệ tử tin cậy thường được hầu hạ bên cạnh Phật, lại là người cùng dòng họ Thích được Phật truyền dạy pháp thuật để giữ gìn giáo lý về đạo cho chúng sinh. Bên hữu là bàn thờ Đức ông, người cai quản trông nom Phật đường. Trên ban có tượng Đức ông to hơn người thật. Theo truyền thuyết, Đức ông là Cấp-Cô-Độc người giàu có lại sẵn lòng nhân từ đã mua lại của ông Kỳ Đà khu vườn ở thành xá vệ thuộc nước Câu-Tát-La cúng cho chư tăng để lập tịnh xá thờ Phật. Do vậy, các chùa thờ Đức ông đã ghi nhớ công ơn, vừa như nhắc nhở thiện nam tín ngưỡng đến chùa phải có phép tắc cửa thiền.

Phía Bắc Phật giáo hội quán là đền thờ Trần Hưng Đạo và hai ông Đào là quan chức thời Trần.

Dân gian có câu: Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ. Hai bên tả hữu của Phật giáo hội quán, một bên có đền cha, bên kia là phủ mẹ. Tháng 8 giỗ cha là Trần Hưng Đạo, còn tháng 3 giỗ mẹ là ý chỉ giỗ Thánh mẫu - bà chúa Liễu Hạnh.

Việc thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh là nét độc đáo mang bản sắc dân tộc vùng châu thổ sông Hồng và các tỉnh trong cả nước có mối liên quan. Từ trên 5 thế kỷ nay, tục thờ mẫu Liễu Hạnh song song tồn tại cùng đạo Phật cũng như tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thờ danh nhân, danh tướng có công với nước như ở chùa Cổ Lễ là một điển hình. Tâm thức dân gian tôn vinh mẫu Liễu Hạnh trong hàng “tứ bất tử” Việt Nam, công đức lớn lao như Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử Tiên Dung và Tản Viên Sơn thánh là những bậc thánh thần đạo cao, đức trọng có công lớn với dân, với nước, với hậu thế từ buổi bình minh lịch sử, mãi mãi tồn tại trong đời sống tinh thần dân tộc.

Đề tài Thánh mẫu là vấn đề hấp dẫn nên gần đây các nhà nghiên cứu lưu tâm muốn tìm hiểu một cách khoa học nhưng thật khó. Vì đạo mẫu có từ tín ngưỡng dân gian nguyên thủy với sự tiếp nhận văn hóa nhân loại biến thành một tôn giáo bản địa cùng tôn giáo khác song song tồn tại.

Khánh Quang Bi Kí gắn ở phủ Mẫu chùa Cổ Lễ có đoạn viết: "Thường nghe, tâm hương một nén, xa bay ngào ngạt đến huyền cung, trống pháp ba hồi rõ hết nghĩ suy nơi diệu cảnh. Kính cẩn cung nghinh thánh triết, cúi mong Quốc mẫu ban ân. Từ trên cao giáng ứng nhân gian, trừ tà phụ chính. Nơi trần thế, mọi người kính cẩn, đón phúc lưu ân"./.

Thích Tâm Vượng, Viện chủ Cổ Lễ tự.

Các bài viết khác