TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Lễ Vu Lan Phật giáo - Ngày hội của tình yêu thương con người

Ngày: 13:36:12 04/10/2015

Tiếp cận lễ Vu Lan từ góc nhìn di sản văn hóa để xác định giá trị đích thực của nó trong đời sống xã hội đương đại của Việt Nam, đồng thời kiến nghị một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy mặt giá trị nổi trội trong văn hóa đạo đức của Phật giáo là mục tiêu chính được đặt ra trong bài viết này.

1. Đạo đức báo ân - giá trị đạo đức tiêu biểu của Phật giáo

1.1. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam hàng ngàn năm nay và đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa dân tộc. Do đó, để hiểu rõ giá trị đạo đức Phật giáo, rất cần thống nhất quan điểm về khái niệm giá trị văn hóa.

Theo J.H.Fichter - nhà xã hội học hiện đại Mỹ, khái niệm giá trị được diễn giải “chúng ta có thể nói rằng tất cả những gì có ích lợi, đáng ham chuộng hoặc đáng kính phục đối với con người hoặc nhóm người đều là một giá trị”1. GS.TS Ngô Đức Thịnh cũng đề xuất một định nghĩa tương đối toàn diện về khái niệm giá trị. Theo ông “giá trị là quan niệm về cái có ý nghĩa, được cộng đồng xã hội lựa chọn, cùng nhau chia sẻ và tôn vinh. Đối với mỗi thành viên trong nhóm, giá trị là cái đáng ước ao và khi đạt được sẽ bùng nổ sự thăng hoa tinh thần. Chính vì vậy, thực thi giá trị có tác dụng điều tiết đối với hoạt động của con người, tìm hiểu giá trị có giá trị giúp ta tiếp cận với các động lực ẩn tàng trong đời sống xã hội”2.

Như vậy, ta có thể hiểu giá trị ở hai mặt tác động cơ bản tới cá nhân và xã hội như sau:

- Với tư cách là những yếu tố có ích cho mọi người, cho cộng đồng, cho quốc gia dân tộc và cho cả nhân loại. Nhờ tính hữu ích và ý nghĩa tinh thần cao cả mà giá trị văn hóa đích thực được cả cộng đồng và xã hội thừa nhận, hướng tới và tôn vinh.

- Khả năng liên kết xã hội, gắn bó cộng đồng, chi phối tư duy và định hướng hành động cho cộng đồng và quốc gia.

Trong quá trình sáng tạo văn hóa, các cá nhân được “văn hóa hóa”/“xã hội hóa” để nhập thân vào cộng đồng xã hội. Nhờ vậy, các cá nhân có điều kiện tiếp nhận một hệ thống giá trị và chuẩn mực đạo đức, được đào luyện để trở thành một thành viên có chất lượng và có trách nhiệm đối với xã hội. Xã hội tác động tới cá nhân thông qua hệ thống các giá trị văn hóa để hình thành nhân cách, còn cá nhân sẽ tiếp tục và làm theo nguyện vọng và mong muốn của xã hội. Bằng phương thức đó, các cá nhân cũng tác động ngược trở lại, thúc đẩy tiến bộ xã hội, đặc biệt là những cá nhân xuất chúng, những nhân cách văn hóa lớn có đạo đức cao đẹp. Đây cũng chính là lý do thúc đẩy nhân loại luôn phải tìm những biện pháp hữu hiệu để chọn lọc, bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa đạo đức của Phật giáo.

Người Việt Nam chúng ta lựa chọn 3 tiêu chí cơ bản: Dân chủ, công bằng, văn minh làm đích hướng tới và xác định hệ giá trị tiêu biểu của quốc gia là:

- Ý thức liên kết cộng đồng được củng cố qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

- Chủ nghĩa yêu nước truyền thống và sự phản ứng quyết liệt đối với những hành vi đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

- Chủ nghĩa nhân văn và lòng nhân ái đậm chất Việt Nam/“thương người như thể thương thân”.

Các giá trị văn hóa tiêu biểu nêu trên được kết tinh lại và thăng hoa thành đạo lý dân tộc là “uống nước nhớ nguồn, tôn vinh và đền đáp công ơn những người có công với dân với nước”. Ở tầm vĩ mô chúng ta có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà điển hình nhất là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Đây là loại tín ngưỡng mang bản sắc văn hóa Việt, thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tiên tổ và từ đó nâng lên thành lòng tự hào dân tộc, tạo ra sức mạnh gắn kết cộng đồng thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Băng vào giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc như vậy mà “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ đã được Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 06/12/2012 tại Paris).

Theo GS. Hà Văn Tấn, nét độc đáo của đạo lý Việt Nam trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là ở chỗ “không đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm hành hương về tưởng niệm như trường hợp Việt Nam”. Ở cấp độ vi mô, chúng ta có “Đạo hiếu” thể hiện lòng biết ơn ông bà, cha mẹ - các đấng sinh thành, dưỡng dục của từng cá nhân trong xã hội. Trung với đất nước, với Tổ quốc, hiếu với cha mẹ đã trở thành tiêu chí đạo đức đánh giá nhân cách cá nhân. Hai thứ tội lỗi mà người Việt Nam kiêng kỵ nhất là phản bội Tổ quốc và bất hiếu với cha mẹ. Lời thề bất hủ trong lễ hội đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa và Hà Nội là “làm con bất hiếu, làm tôi bất trung - trời chu, đất diệt” cũng là bằng chứng cho thấy đạo hiếu có vai trò quan trọng đến mức nào trong đời sống xã hội. Đạo hiếu - Đạo làm con đã được lắng đọng vào những câu ca dao rất sâu sắc và trở thành kim chỉ nam cho hành động của từng cá nhân trong xã hội là: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

1.2. Cùng với Phật giáo, Đức Báo ân cũng đã thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam góp phần không nhỏ vào việc củng cố và thăng hoa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đặc biệt là Đạo hiếu với ông bà và cha mẹ/nét độc đáo trong văn hóa đạo đức của Việt Nam. Lễ Vu Lan đã thực sự trở thành ngày hội của tình thương yêu con người. Đó là hạt nhân cơ bản nhất trong nguyên lý “từ bi, hỷ xả”, “vô ngã, vị tha” của Phật giáo. Người Việt tiếp nhận đạo Phật không chỉ ở nội dung triết lý sâu sắc ẩn chứa trong hệ thống giáo lý, mà quan trọng hơn là những nguyên tắc, hành vi đạo đức mang tính nhân văn cao cả, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ. Có thể nói, đạo đức Phật giáo là một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hình nên các quan niệm, chuẩn mực và hệ giá trị đạo đức trong xã hội. Điều này đã được cố GS. Trần Văn Giàu, nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam khẳng định “Tín ngưỡng Phật giáo phổ biến trong đại đa số nhân dân. Người dân không biết gì về triết lý cao xa của Phật mà chỉ biết cầu phúc, chỉ biết chuyện quả báo, luân hồi. Từ lâu rồi, triết lý Phật giáo đã trở thành một thứ đạo đức học từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn là hạt nhân, chúng sinh có thể hiểu và làm được, không cao xa, rắc rối như triết lý Phật giáo nguyên thủy. Tu nhân tích đức ở kiếp này để an vui, hưởng phúc ở kiếp sau”3.

Phật giáo đã giải quyết vấn đề cội nguồn của đạo đức và các chuẩn mực đạo đức trong đó có đức Báo ân. Con đường đạo đức của Phật giáo là con đường tự giác, tự chứng và tự nguyện. Toàn bộ giáo lý Phật giáo về đạo đức chỉ dẫn con đường sống hạnh phúc ngay trong hiện tại, đi vào hạnh phúc ngay tại trần gian giữa dòng đời vô thường. Do đó mục tiêu mang lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần cho con người cũng là giá trị mang chuẩn mực đạo đức.

Phật giáo hướng dẫn Phật tử và chúng sinh phương thức xử lý các mối quan hệ của con người trong xã hội (quan hệ giữa cha mẹ và con cái; quan hệ giữa vợ chồng; quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm; quan hệ giữa người quản lý và bị quản lý, chủ doanh nghiệp và người làm thuê, quan hệ giữa tu sĩ và cư sĩ), trong đó ta thấy nổi lên mối quan hệ thiêng liêng đáng trân trọng là quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Không thể nào có được một công dân tốt từ bậc cha mẹ không nhân từ và không gương mẫu cũng như con cái không ngoan hiền và bất hiếu. Phật giáo đã sáng tạo ra lễ Vu Lan với nghi thức tâm linh không chỉ nhằm thiêng liêng hóa giáo lý của đạo Phật mà còn nhằm giáo dục, hoằng dương nguyên lý cơ bản của Đức Báo Ân. Đồng thời hướng dẫn phương thức thực hành Đức Báo Ân để có được hạnh phúc ngay tại trần gian cho tất cả chúng sinh.

Cố GS Trần Quốc Vượng đã đưa ra định nghĩa giản lược, coi văn hóa là thái độ ứng xử của con người với: tự nhiên, với xã hội, với chính mình và với thần linh. Trong đó thái độ ứng xử với xã hội lại bao gồm các ứng xử giữa các cá nhận với nhau và giữa các cá nhân với cộng đồng. Các nhà khoa học thống nhất nhận định rằng ba trụ cột văn hóa quan trọng nhất ở Việt Nam là: gia đình - cộng đồng làng xã - quốc gia dân tộc. Như vậy, gia đình là tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội được nhà nước và xã hội thừa nhận. Và do đó Đức Báo Ân trong Phật giáo có khả năng tạo lập chất “keo” gắn kết các cá nhân trong cộng đồng xã hội ở cấp vi mô nhất là từng gia đình, đó là thái độ ứng xử có văn hóa giữa ba thế hệ ông bà - cha mẹ - con cái. Sự ổn định của từng gia đình, nhiều gia đình sẽ làm nên sự ổn định cho cả cộng đồng xã hội. Đây là một biểu hiện cụ thể nhất giá trị văn hóa của Phật giáo nói chung và lễ Vu Lan nói riêng cho từng cá nhân trong xã hội.

Lễ Vu Lan không chỉ hạn chế ở hai mục tiêu là cầu siêu cho cha mẹ và ông bà, bố thí cho những những vong hồn không ai thờ cúng mà còn mở rộng ra nhiều hoạt động mang tính nhân văn cao đẹp khác như:

- Phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già.

- Sống thiện và phấn đấu làm rạng danh ông bà, cha mẹ.

- Tưởng nhớ công ơn ông bà, cha mẹ qua ngày giỗ, Tết, lễ Vu Lan.

- Cầu an lạc cho cha mẹ hiện còn…

Trong lễ Vu Lan ta thấy không chỉ có giáo lý đơn thuần mà còn có cách thức thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm đưa những nguyên tắc từ bi, hỷ xả của Phật giáo cắm rễ sâu vào trong đời sống xã hội.

Qua những điều trình bày ở trên ta thấy, lễ Vu Lan là một trong những lễ quan trọng của Phật giáo, là bộ phận cấu thành văn hóa đạo đức của Phật giáo cần được bảo tồn và phát huy.

2. Bảo vệ di sản văn hóa Phật giáo là làm cho các mặt giá trị văn hóa của nó thực sự hữu ích, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và từ đó trở thành sự nghiệp của toàn xã hội.

2.1 Bảo tồn di sản văn hóa nói chung và giá trị văn hóa trong lễ Vu Lan nói riêng cần hướng đến tạo ra sức sống cho di sản trong điều kiện của một xã hội hiện đại. Bởi vì các giá trị văn hóa chỉ thực sự có giá trị và còn giá trị chừng nào chúng có khả năng phục vụ nhu cầu xã hội. Ngược lại, các giá trị cũ sẽ bị đào thải và được thay thế bằng các giá trị mới.

Từ quan điểm nêu trên, chúng ta phải làm rõ các yếu tố tạo nên sức sống cho di sản. Theo chúng tôi, có một số phương thức tiếp cận sau đây:

- Sức sống của di sản được quyết định bởi các giá trị tự thân mà nhờ đó nó được lựa chọn và lưu truyền cho thế hệ hôm nay.

- Khả năng của di sản đáp ứng nhu cầu của xã hội đương đại.

- Khả năng của di sản thích ứng được với những điều kiện tự nhiên và xã hội hôm nay.

- Hiệu quả và lợi ích vật chất cũng như tinh thần mà di sản có khả năng đưa lại cho các chủ thể văn hóa/các tu sĩ, Phật tử, chúng sinh - những người đã sáng tạo, đang thực hành và lưu giữ di sản trong đời sống xã hội.

- Khả năng nhận diện giá trị, thái độ ứng xử văn hóa và phương thức quản lý di sản từ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các nhà khoa học, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Hàng ngàn năm qua, Phật giáo đã chứng minh sức mạnh tinh thần nổi trội nhất là khả năng thích ứng và hội nhập rất linh hoạt với văn hóa bản địa của người Việt Nam. Bằng chứng xác thực nhất là Phật giáo luôn đồng hành gắn bó với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Nói như thế có nghĩa là việc bảo tồn giá trị văn hóa đạo đức trong lễ Vu Lan cũng tức là phát huy thế mạnh vượt trội của Phật giáo trong đời sống xã hội hôm nay và mai sau. Phương thức chủ đạo là thông qua việc thực hành nghi thức trong lễ Vu Lan góp phần lành mạnh hóa mối quan hệ xã hội trong phạm vi từng gia đình, gia cố vững chắc hơn sự liên kết giữa các thế hệ ông bà - cha mẹ - con cái trên cơ sở tình thương yêu vị tha và khoan dung trong văn hóa Phật giáo. Gia đình ổn định sẽ tạo nên môi trường xã hội ổn định cho phát triển bền vững.

2.2 Giá trị di sản văn hóa Phật giáo nói chung, ý nghĩa nhân văn trong lễ Vu Lan cần hướng vào khắc phục những vấn nạn đang đặt ra trong đời sống xã hội hôm nay.

Một là, các mặt trái của cơ chế thị trường với lối sống thực dụng của xã hội tiêu dùng, chạy theo đồng tiền và lợi nhuận bằng mọi giá đã tác động tiêu cực làm cho đạo đức xã hội bị suy thoái, lối sống xã hội bị thay đổi theo chiều hướng không trong sáng.

Hai là, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội cũng đã len lỏi vào trong các hoạt động tôn giáo làm cho bầu không khí sinh hoạt văn hóa tâm linh phần nào bị vẩn đục.

Ba là, một số cá nhân vì mục tiêu trục lợi cá nhân đã lợi dụng niềm tin tôn giáo của Phật giáo từ tổ chức các hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích của Phật giáo, thậm chí vi phạm pháp luật gây thiệt hại về của cải, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân.

Điều đáng tiếc nhất là tình thương yêu gắn bó, thậm chí cả đạo hiếu cũng có nguy cơ bị phai nhạt như hiện tượng người già cô đơn không nơi nương tựa, con cái không chung tay nuôi dưỡng chăm sóc cha mẹ, thậm chí còn không nhìn mặt nhau, thù hận lẫn nhau chỉ vì tranh chấp nhà cửa, tài sản kế thừa. Đấy là những hiện tượng tiêu cực cần bị dư luận xã hội lên án và có biện pháp ngăn chặn. Thiết nghĩ, các hoạt động Phật giáo trong đó có lễ Vu Lan hoàn toàn có khả năng tham gia vào việc làm lành mạnh hóa lối sống đạo đức của con người Việt Nam.

2.3. Thông qua hoạt động tôn giáo trong các ngôi chùa, tự viện, đặc biệt trong những dịp lễ Vu Lan - báo hiếu, ngoài việc hoằng dương Phật pháp, giảng giải ý nghĩa của Đức báo ân trong lễ Vu Lan, chúng ta cần phải có kế hoạch tuyên truyền, khuyến khích Phật tử thực hiện tốt Luật Người cao tuổi trong đó quy định rất rõ về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong công tác người cao tuổi. Theo đó, các Điều, Khoản cụ thể như: Chương II Phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, trong đó Khoản 1 Điều 10 về nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi đã ghi rõ “phụng dưỡng người cao tuổi là chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe và các nhu cầu về vui chơi, giải trí; thông tin, giao tiếp, học tập của người cao tuổi”. Khoản 2 của Điều 10 còn xác định “Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”. Nội dung các quy định trong Luật Người cao tuổi của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với tuyên bố Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng như tôn chỉ, mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông qua các hoạt động Phật giáo làm cho những quy định của Luật Người cao tuổi có hiệu lực thực tế trong đời sống xã hội cũng tức là góp phần đồng hành cùng dân tộc với phương châm “tốt đạo đẹp đời”.

2.4. Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong lễ Vu Lan phải trở thành một chương trình hành động lâu dài theo một kế hoạch hoạt động mang tính liên ngành và rộng khắp trong toàn xã hội, đến với từng gia đình mà không hạn chế trong khuôn khổ các ngôi chùa hoặc tự viện của Phật giáo. Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo có khả năng đóng vai trò hạt nhân phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra một chương trình dài hạn và kế hoạch hành động từng năm theo hướng:

- Tuyên truyền phổ biến kiến thức, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các tọa đàm khoa học nhằm nâng cao nhận thức xã hội và năng lực nhận diện giá trị di sản văn hóa Phật giáo trong toàn xã hội.

- Xây dựng các dự án cụ thể cho các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn các hình thức hoạt động cụ thể, đa dạng nhân dịp các ngày lễ quan trọng của Phật giáo có liên quan tới “Đạo lý uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cũng như phát huy giá trị của Đức báo ân trong Phật giáo.

- Xác định rõ mục tiêu cơ bản của chương trình hành động là biến lễ Vu Lan Phật giáo trở thành ngày hội của tình yêu thương trong toàn xã hội, có nghĩa là không chỉ hạn chế ở các hoạt động báo hiếu ông bà, cha mẹ mà còn mở rộng ra các hoạt động từ thiện xã hội trên nguyên lý “Từ bi và trí tuệ” của Phật giáo nhằm thức tỉnh và rèn luyện “Phật tính” của từng cá nhân trong xã hội.

Cuối cùng, cần khẳng định Phật giáo có những đóng góp to lớn vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và lễ Vu Lan Phật giáo cũng là một trong những bộ phận cấu thành và làm thăng hoa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Biết ơn những người có công với dân với nước” của dân tộc ta./.

Đồng tác giả:

PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản Văn hóa.

Ảnh: Bình Yên.

 

1 J.H.Fichter - Xã hội học, Sài Gòn 1973, tr173.

2 GS. Ngô Đức Thịnh (Chủ biên) - Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010, tr157.

3 GS. Trần Văn Giàu - Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1980, tr495.

Các bài viết khác