TRUNG TÂM BẢO TỒN    
DI SẢN VĂN HÓA TÔN GIÁO
Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo
Menu

Nhân mùa Phật Đản năm 2014 của Đạo Phật vài suy nghĩ về văn hóa - đạo đức Phật giáo với xã hội hiện nay

Ngày: 10:53:19 27/07/2015

Một trong Ngũ giới của đạo Phật là giới “Không vọng ngữ” (không được nói dối) điều này thì không mấy người không biết, và cũng hiểu một cách thoáng qua là đạo Phật dậy người ta phải nói thật cũng như truyền thống trong dân gian có câu là “ăn mất nói thật”, thế thôi, nhưng ở đây nó còn có ý nghĩa sâu xa khác. 

Tôi không phải là nhà nghiên cứu về lĩnh vực Văn hóa - Đạo đức Phật giáo, nhưng tôi cũng quan tâm nhiều đến vấn đề giá trị đích thực của triết lý Đạo Phật với đời sống xã hội. Tôi đã được đọc một số cuốn sách và bài viết của một số học giả, nhà nghiên cứu viết về lĩnh vực này, quý vị đã bàn và nói nhiều, theo tôi vấn đề “Văn hóa - đạo đức” Phật giáo là một khái niệm rộng, vì thế ở đây tôi chỉ xin nêu mấy vấn đề mà theo tôi nó có mối quan hệ sâu sắc với sinh hoạt thường nhật của cộng đồng và xã hội.

1- Cách đây mấy năm có người bạn biết tôi là người đã làm công tác Phật giáo lâu năm nên có đem một vài chuyện diễn ra ở một số chùa hỏi tôi và ông nói rằng đây là vấn đề văn hóa Phật giáo, hay là mê tín dị đoan? Rằng cứ đà này thì rồi sinh hoạt Phật giáo sẽ đi đến đâu? Một lần khác tại một tang lễ mà tôi đến dự, con gái bà quá cố là một phật tử ở thành phố Hồ Chí Minh ra chịu tang mẹ, gặp tôi ở đám tang biết tôi từng làm công tác Phật giáo, cô này ngăn tôi lại và chất vấn: Bác làm công tác Phật giáo mà để như thế kia là thế nào? Người thì mổ thịt lợn, thịt gà làm cỗ bàn linh đình rồi ăn uống ầm ĩ, con cháu thì gào khóc tùm lum như thế kia nghĩa là thế nào? Đức Phật đã dậy việc tang ma hiếu kính của Phật tử đối với ông bà, cha mẹ thế nào? Ở thành phố Hồ Chí Minh khi ông bà, cha mẹ hoặc người thân trong gia đình qua đời thì con cháu phải lo đón tiếp sửa soạn cơm chay chu đáo đối với những bà con cô bác ở xa đến thăm viếng, tiễn đưa người thân của mình và mời các phật tử đến tụng kinh cầu nguyện cho giác linh người quá cố, đồng thời phải làm việc bố thí cho người đói khổ khó khăn, đó là việc trả nghĩa cho ông bà, bố mẹ chứ có đâu như thế kia? Tôi thật chẳng biết làm thế nào cho cô ấy hiểu ngay được, vì cũng theo Phật giáo cả nhưng ở các tỉnh phía Nam việc tang ma đã được cải tiến, còn ở các tỉnh phía Bắc thì vẫn theo nếp cũ, tuy rằng ở cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước (thế kỷ XX) ta đã có một bước “cải tiến lễ nghi” trong việc ma chay, cưới hỏi… nhưng cũng chỉ đi sâu về vấn đề thời gian và kêu gọi tiết kiệm mà thôi.

2- Tôi vừa về thăm một ngôi chùa cổ ở vùng quê của một tỉnh, vị Thượng tọa trụ trì tiếp tôi, trong lúc đàm đạo vị Thượng tọa ấy nói: Ở quê mình có rất nhiều chùa cổ có hàng 700 - 800 năm tuổi, tín đồ khá đông và rất mộ đạo nhưng khi hỏi về Văn hóa của đạo Phật thì đa số chẳng biết gì hơn ngoài mấy câu niệm Phật. Câu chuyện này lại càng làm tôi suy nghĩ, trước đây khi còn công tác Phật giáo tôi cũng đã quan tâm đến vấn đề này, nay thì càng trăn trở!

Cũng thế, cách đây vài năm có một vị quan chức lớn của Nhà nước, ông đã về hưu cả chục năm, lần ấy gặp tôi ông nói: Tôi rất thích nghiên cứu về triết lý và văn hóa Phật giáo vì nó rộng và sâu, giá mà phổ biến rộng rãi được trong dân chúng thì cũng có tác dụng tốt. Nghe ông nói tôi cũng thấy hay, nhưng phổ biến bằng cách nào, và ai phổ biến thì lại là chuyện khác!

3- Mấy chuyện trên đây tôi nêu ra tưởng như đơn giản nhưng chẳng hề dễ chút nào: Chỉ xin nói riêng việc tang ma tôi nêu trên nghĩ thì đơn giản nhưng đó chính lại là vấn đề văn hóa - đạo đức Phật giáo, trước hết Đức Phật tuyên bố giáo lý “Vô thường”, con người ta đã có sinh thì có diệt, đó là quy luật, không ai là tránh khỏi quy luật, đã biết quy luật rồi thì chẳng có gì phải nuối tiếc, chỉ có điều nhớ thương cha mẹ ông bà là việc đương nhiên, nhưng sự nhớ thương đó phải được thể hiện bằng việc làm có ý nghĩa cụ thể vừa là làm tròn bổn phận hiếu đạo của người con, vừa làm việc phúc đức cho đời sau bằng việc bố thí cho người nghèo khó, đây là thể hiện đức “từ bi” nhân ái của nhà Phật, trong dân gian thì thương người như thể thương thân, một việc làm được hai ý nghĩa: báo hiếu với người đã khuất và để lại cái đức cho con cháu đời sau. Ông bà ta thường nói có đức mới có phúc, lâu nay người ta chỉ nghĩ đến hưởng phúc mà không nghĩ đến bồi đắp “cây Đức” cho đời sau, Chỉ một việc nhỏ nêu trên nó đã mang đầy đủ cả hai ý nghĩa Văn hóa - đạo đức Phật giáo rồi. Mấy năm gần đây việc tang ma là vấn đề khá nổi cộm trong xã hội, một số người không vì mục đích báo hiếu cha mẹ, ông bà mà vì mục đích cá nhân khác, họ đua nhau làm tang lễ thật to, thông báo rộng rãi đến tất cả mọi người kêu gọi họ đến viếng lễ, có người còn nhờ anh em bạn bè thông báo giúp đến những người khác không mấy thân quen, thói thường thì người ta nghĩ rằng “nghĩa tử là nghĩa tận” thế là được tin báo cũng đi, hành động này thì không thể gọi là có văn hóa, có đạo đức được!

Việt Nam ta thì người biết đến Phật giáo khá đông, theo một thống kê của một vị giáo sư ở thành phố Hồ Chí Minh công bố thì có tới trên 80% dân số trong cả nước tin và theo đạo Phật, và nói đến 5 điều cấm (Ngũ giới) của Phật giáo thì hầu như ai cũng biết, nhưng hiểu về ý nghĩa nội dung của nó thì chỉ hiểu lơ mơ, đúng như hai vị đặt vấn đề với tôi như đã nêu trên. Ở đây tôi chỉ xin nêu một vài nét trong những điều cấm (Ngũ giới) của đạo Phật để mọi người cùng tham khảo.

Một trong Ngũ giới của đạo Phật là giới “Không vọng ngữ” (không được nói dối) điều này thì không mấy người không biết, và cũng hiểu một cách thoáng qua là đạo Phật dậy người ta phải nói thật cũng như truyền thống trong dân gian có câu là “ăn mất nói thật”, thế thôi, nhưng ở đây nó còn có ý nghĩa sâu xa khác. Trong văn hóa giáo tiếp kể cả giao tiếp trong gia đình giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, “nói thật” tạo cho người ta sự tin tưởng, yêu mến và tôn trọng lẫn nhau, cha mẹ với con cái đã hứa là làm, đã nói là không có gì phải nghi ngờ. Một gia đình mọi người đối xử với nhau bằng niềm tin yêu thì gia đình đó là gia đình có văn hóa, gia đình đó có hạnh phúc. Đối với giao tiếp bạn bè, việc không nói dối tạo cho mối quan hệ thân thiết hơn, tình cảm sâu sắc, gắn bó nhau hơn… Đối với giao tiếp ngoài xã hội mọi người ứng xử với nhau bằng tấm lòng thẳng thắn, thật thà thì xã hội đó chẳng tốt đẹp hay sao?

Giới cấm này còn có ý nghĩa là không được nói sai sự thật, bịa chuyện, đưa tin sai, bịa đặt vu oan giá họa cho người khác, hoặc là quy tội sai, kết án sai… chuyện này tưởng là đơn giản nhưng trong xã hội ta không phải là không có, gần đây nhất, là một án sai đã dẫn đến suýt nữa thì bị tử hình người vô tội sao (đây cũng không phải là trường hợp điển hình). Nói sai sự thật ở mức độ thấp thì làm ảnh hưởng tới thanh danh của người khác, mức độ cao hơn thì có thể dẫn đến chuyện nguy hiểm dẫn đến tù tội hoặc nghiêm trọng như đã dẫn ở trên. Đây lại thuộc phạm trù đạo đức, cho nên đạo Phật cấm. Chỉ một giới điều này trong đó đã nói lên vấn đề “văn hóa đạo đức Phật giáo” xã hội ta ngày nay đã và đang có nhiều chuyện gian dối, lừa đảo, làm mất lòng tin của nhiều người, thì văn hóa đạo đức Phật giáo là vấn đề cần được quan tâm.

Một điều nữa trong Ngũ giới đạo Phật là “Không trộm cắp”, việc ngăn chặn trộm cắp thì muôn đời nay chẳng kể Phật giáo mà trong dân gian nói nhiều, nhưng ở đây nội dung của nó mang đầy đủ tính văn hóa và đạo đức và nhân văn. Đạo Phật nêu vấn đề cấm trộm cắp nhưng đồng thời Phật giáo cũng chỉ ra đầy đủ những nguyên nhân và biện pháp phòng chống.

Phật giáo cho rằng mọi nguyên nhân của tội lỗi đều do tham, sân, si (tam độc) mà ra vì tính tham là bản chất của con người, ngay từ tấm bé đã biết tham, biết giành phần cho mình, cho nên lòng tham là luôn luôn thường trực trong trí não của con người, vì vậy Phật giáo cho rằng phải khuyến khích mọi người làm việc thiện và bố thí để giảm đi lòng tham, nhưng đồng thời cũng khuyến khích mọi người thường xuyên tu dưỡng rèn luyện vươn lên để tự khẳng định mình về cả trí tuệ, đạo đức và nhân cách, chính điều này có lẽ trùng hợp với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (hay ngược lại) - Con người do rèn luyện mà lên).. Mặt khác để ngăn chặn lòng tham, đạo Phật khuyên mọi người cần biết đủ (Tri túc) và biết giữ gìn những gì mà mình có, không để lộ ra bên ngoài (vật bất lộ nhỡn) để cho kẻ khác nhìn biết mà khởi lên lòng tham rồi tìm cách chiếm đoạt. Phật giáo quan tâm giáo dục con người đến hoàn mĩ đó chính là văn hóa, đạo đức Phật giáo. Ngăn chặn không cho việc trộm cắp nổi vì nó là mối nguy hại cho an ninh của xã tắc. Xã hội ta ngày nay những kẻ tham nhũng suy cho cùng cũng chính là những kẻ trộm cắp, bòn rút của dân của nước về làm của riêng thực chất cũng chính là hành động của kẻ trộm cắp. Của cải của dân, của nước đưa vào tay người quản lý để sơ hở, để kẻ tham khởi lên lòng tham tìm cách chiếm đoạt đem đi cũng chính là kẻ có tội.

Trên đây tôi chỉ xin tóm lược mấy ý của hai trong năm giới cấm (Ngũ giới) của đạo Phật, và như thế, nếu ai hỏi tôi là văn hóa đạo đức Phật giáo nằm ở chỗ nào thì tôi xin trả lời là nó nằm trong tất cả kinh sách của nhà Phật, nhưng nó cũng tóm gọn lại trong năm điều giới (Ngũ giới) của Phật giáo mà thôi, nếu như năm điều giới đó mà được phân tích một cách cặn kẽ đầy đủ và đưa vào thực hiện trong xã hội, góp phần làm cho môi trường xã hội trong lành, thì việc mê tín sẽ được hạn chế rất nhiều và làm cho xã hội ta ngày càng tốt đẹp./.

Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo.

Ảnh: Bình Yên.

Các bài viết khác